Vào ngày 27 tháng 4 năm 2021, tại Hà Nội, Hội thảo “Quản lý Điện gió ngoài khơi và Chuỗi cung ứng” đã được tổ chức bởi dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng (viết tắt là dự án 4E) dưới sự hợp tác của Chính phủ Đức và Bộ Công Thương Việt Nam, cùng Viện Năng lượng. Với mục tiêu cung cấp thông tin về cách thức tổ chức và triển khai công tác logistics của các doanh nghiệp trong ngành Điện gió ngoài khơi, cũng như quản lý chuỗi cung ứng công nghiệp, hội thảo có sự tham gia của TSKH. Trần Kế Phúc, Viện trưởng Viện Năng lượng (viết tắt là IE), ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng Tái tạo thuộc Viện Năng lượng, ông Henri Wasnick, Cố vấn cao cấp về Năng lượng Tái tạo tại Viện Năng lượng, bà Võ Chí Mai, Trưởng Hợp phần Năng lượng tái tạo Dự án 4E, cùng hơn 60 khách mời là đại diện từ các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp trong lĩnh vực Năng lượng gió.
Trong cuộc họp, các thành viên đã có cơ hội trực tiếp trao đổi từ những góc nhìn khác nhau của pháp luật, chuỗi cung ứng, các nhà phát triển, cũng như các nhà sản xuất liên quan tới những rủi ro có thể gặp phải trong logistics và chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi. Nhiều biện pháp quản lý rủi ro đã được đề xuất thực hiện, đặc biệt đối với quá trình vận hành và vận tải hàng hóa hạng nặng ngoài khơi. Hội thảo cũng tập trung đưa ra các yêu cầu kỹ thuật trong phát triển thị trường năng lượng điện gió móng cột cố định và móng nổi. Bên cạnh đó, các kinh nghiệm thực tiễn khi tham gia vào thị trường mới cũng được đề xuất cho Việt Nam, nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong ngành điện gió ngoài khơi.
TSKH. Trần Kế Phúc phát biểu: “Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển điện gió ngoài khơi. Theo Dự thảo Quy hoạch điện 8, công suất điện gió ngoài khơi đến năm 2030 dự kiến đạt từ 3 đến 5 GW, giai đoạn đến năm 2045 kỳ vọng đạt 20GW và có thể tăng lên nếu cạnh tranh được về giá cả hoặc xảy ra chậm tiến độ đối với các dự án nguồn điện năng lượng sạch truyền thống như LNG, khí nhiệt địa… Trong quá trình triển khai các dự án điện gió ngoài khơi, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị tư vấn cũng như nhà đầu tư đang gặp một số vướng mắc trong công tác quy hoạch, thiết kế và các dịch vụ logistics để thực hiện dự án. Hội thảo này kỳ vọng sẽ đưa ra một số giải pháp vượt qua các khó khăn đó.”
Ông Henri Wasnick cũng chia sẻ: “Ngành Điện gió ngoài khơi có tiềm năng đóng vai trò chính yếu trong chuỗi dịch năng lượng của Việt Nam, đặc biệt trong việc thực hiện các mục tiêu giảm thiểu khí CO2, mục tiêu an ninh năng lượng và phát triển kinh tế xã hội. Chuỗi cung ứng bền vững trong nước cũng đem lại khả năng giảm giá thành năng lượng và phát triển nền công nghiệp xuất khẩu từ chính cho một số lĩnh vực chuyên biệt. Tiềm năng này cần được chú trọng phát triển sâu rộng, nhằm tối ưu hóa nguồn năng lượng trong nước và quốc tế.”
Cùng với các nguồn năng lượng tái tạo khác như năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học,… ngành năng lượng gió có đóng góp lớn trong việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu kép, vừa giảm thiểu phát thải khí nhà kính và đảm bảo nguồn cung năng lượng bền vững với giá thành phải chăng. Các dự án Năng lượng gió được dự đoán sẽ bùng nổ trong những năm tới, đòi hỏi áp dụng kịp thời trong quản lý chuỗi cung ứng và logistics cho các dự án điện gió nói chung, và các dự án điện gió ngoài khơi nói riêng. Điều này giúp tránh việc trì hoãn trong thực thi dự án, cũng như giúp định hình lộ trình dự án hiệu quả hơn. Việc tận dụng những giá trị gia tăng trong nước, song hành với việc xây dựng khung pháp lý phù hợp, có thể giúp ích cho Việt Nam trong việc xây dựng thị trường năng lượng.
Dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng (4E) được thực hiện từ năm 2015, với mục tiêu phát triển các điều kiện về pháp lý, quy định và thị trường cũng như năng lực liên quan nhằm thúc đẩy đầu tư vào Năng lượng Tái tạo và Hiệu quả Năng lượng. Dự án được tài trợ bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ) với đối tác là Bộ Công Thương Việt Nam, được thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ.