ESP

Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ

Hướng dẫn xây dựng Báo cáo Đánh giá Tác động môi trường và Xã hội (ESIA) cho các Dự án Điện Gió tại Việt Nam

Chia sẻ
In

Hướng dẫn xây dựng Báo cáo Đánh giá Tác động môi trường và Xã hội (ESIA) cho các Dự án Điện Gió tại Việt Nam

Vào ngày 31 tháng 05 tại Hà Nội, các kết quả sơ bộ của nghiên cứu “Phân tích sự khác nhau, Hướng dẫn và Khuyến nghị về Xây dựng báo cáo Đánh giá tác động môi trường và xã hội (ESIA) cho các dự án điện gió trên đất liền và gần bờ tại Việt Nam” đã được giới thiệu tại Hội thảo Tham vấn với sự tham dự của gần 60 đại biểu trong và liên quan đến ngành điện gió. Hội thảo là một hoạt động trong khuôn khổ dự án Hỗ trợ Mở rộng Quy mô Điện gió (DKTI WIND) do Tổ chức Hợp tác Phát triển GIZ hợp tác với Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo, Bộ Công Thương triển khai dưới sự ủy quyền của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ).

Hội thảo tham vấn được mở màn bằng bài trình bày về Nghiên cứu Phân tích, trong đó so sánh các quy định và yêu cầu hiện có tại Việt Nam về Đánh giá Tác động Môi trường cho các dự án điện gió với các yêu cầu quốc tế về Đánh giá tác động môi trường và xã hội, nhằm xác định sự chênh lệch giữa các quy định này, cũng như đề xuất các biện pháp giải quyết. Dựa trên các kết quả và đề xuất của nghiên cứu, dự án đã xây dựng một cuốn Sổ tay Hướng dẫn về Báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường và Xã hội khả thi về mặt tài chính cho các dự án điện gió, đồng thời đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài chính quốc tế.

“Việt Nam hiện đang có các quy định về Báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường đối với các dự án đầu tư điện gió trên đất liền. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có những quy định về đánh giá tác động xã hội, mặc dù các vấn đề môi trường và xã hội bắt nguồn từ các dự án đầu tư năng lượng như sử dụng và đền bù đất đai, tái định cư, sức khỏe và an toàn cộng đồng thường được đưa ra thảo luận. Một báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường và Xã hội khả thi về mặt tài chính và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp cho các dự án điện gió tiếp cận các tổ chức tài chính quốc tế một cách hiệu quả, bởi nó là một điều kiện tiên quyết của quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn. Bên cạnh đó, việc xem xét nghiêm túc cả tác động kinh tế và tác động xã hội ngay từ giai đoạn quy hoạch và xây dựng dự án cũng rất quan trọng để có thể phát triển ngành điện gió một cách bền vững trong tương lai”, ông Tobias Cossen, Quản lí dự án Hỗ trợ Mở rộng Quy mô Điện gió của GIZ chia sẻ.

Đến cuối năm 2017, tại Việt Nam đã có 5 trang trại điện gió đang hoạt động với tổng công suất lắp đặt gần 200 MW, trong đó, 100 MW là đến từ một dự án điện gió gần bờ (*).

Theo điều chỉnh Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia VII, các mục tiêu được đặt ra cho điện gió là 800 MW trong năm 2010 và 6.000 MW trong năm 2030 (**). Nhu cầu cần có một bộ tiêu chuẩn đánh giá Tác động Môi trường và Xã hội tại Việt Nam cho các dự án điện gió mang tính khả thi về tài chính đang trở nên cấp thiết. Quyển Sổ tay Hướng dẫn được kỳ vọng sẽ giúp cho các dự án điện gió không chỉ hoạt động hiệu quả hơn về mặt thời gian và tài chính mà còn mở ra cơ hội tiếp cận các đối tác tài trợ như các tổ chức tài chính quốc tế. Bên cạnh đó, hướng dẫn này sẽ cung cấp các kế hoạch giám sát và quản lý một cách bền vững, và qua đó mang lại những lợi ích về dài hạn cho tất cả các bên liên quan.

(*) Theo Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo, dự án điện gió gần bờ thường được đặt trong phạm vi trong vòng 5 km tính từ bờ biển.

(**) Nguồn: Bản đồ về tài nguyên Gió ở Việt Nam, Công ty AWS True Power LLC, 2011

Tin tức liên quan

Tin tức

mới nhất

Tin tức liên quan