ESP

Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ

Hợp tác kết nối kinh nghiệm quốc tế và sự am hiểu địa phương: chìa khóa để khai mở tiềm năng điện mặt trời tại Việt Nam

Chia sẻ
In

Phát triển các quan hệ hợp tác hiệu quả nhằm kết nối kinh nghiệm quốc tế với sự am hiểu về địa phương được xem là chìa khóa để khai mở tiềm năng điện mặt trời tại Việt Nam. Điều này được nhấn mạnh bởi hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý cấp tỉnh, các nhà đầu tư và các bên liên quan khác tham gia chia sẻ tại Hội thảo “Giới thiệu Thông tư 16/2017/TT-BCT về phát triển Dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các Dự án điện mặt trời”. Hội thảo này là một hoạt động trong khuôn khổ dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng (4E) do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) phối hợp triển khai dưới sự ủy quyền của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ).

Năng lượng mặt trời hiện đang trở thành một chủ đề “nóng” tại Việt Nam kể từ khi Thủ tướng Chính phủ công bố Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg vào tháng 4 năm 2017, về việc ban hành giá mua điện từ điện mặt trời ở mức 9.35 cent Mỹ/kWh. Tuy nhiên, theo Quyết định này, các nhà máy điện mặt trời sẽ phải hoàn thành việc xây dựng và nối lưới trước ngày 30 tháng 6 năm 2019 để được hưởng mức giá nêu trên.

“Hội thảo này là sự kiện quan trọng của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo trong bối cảnh hiện nay nhằm cung cấp thêm các hướng dẫn về nội dung Thông tư cho các nhà đầu tư, các chính quyền địa phương và các tổ chức tài chính. Đây cũng là cơ hội để các cấp chính quyền địa phương tìm hiểu thêm về Thông tư 16 và cập nhật tình hình phát triển mới nhất của điện mặt trời giúp quá trình đánh giá và phê duyệt dự án điện mặt trời cấp tỉnh được thuận lợi hơn”, bà Sonia Lioret, Trưởng dự án 4E của GIZ phát biểu.

Bà Sonia Lioret là Trưởng dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả Năng lượng của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ).

Tại hội thảo, đại diện của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã giới thiệu nội dung Thông tư 16/2017/TT-BCT về phát triển Dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các Dự án điện mặt trời và trả lời các câu hỏi của đại biểu về Thông tư này. Các chuyên gia tư vấn của GIZ cũng đã chia sẻ những quan sát quốc tế về tình hình phát triển điện mặt trời tại Việt Nam và trình bày kinh nghiệm quốc tế và khu vực về đánh giá kỹ thuật và tài chính cho các dự án điện mặt trời.

“Các dự án điện mặt trời thường đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu khá lớn. Ở một số tỉnh, quốc gia cũng như khả năng nối lưới là những yếu tố làm hạn chế số lượng các dự án được chính quyền địa phương và trung ương phê duyệt. Do đó, việc đánh giá yếu tố khả thi của các dự án điện mặt trời mới cần phải được tiến hành kỹ càng và cẩn thận. Các yếu tố này bao gồm lựa chọn địa điểm, kinh nghiệm của các bên liên quan và các nhà thầu tham gia dự án cũng như chất lượng của thiết bị và quy trình lắp đặt nhằm giảm thiểu khả năng dự án bị đắt vốn hoặc thất bại về mặt kinh doanh.”

“Điện mặt trời vẫn còn là lĩnh vực khá mới ở Việt Nam, và trong bối cảnh các dự án sẽ phải được hoàn thành và kết nối lưới muộn nhất vào cuối tháng 6 năm 2019, chúng tôi tin rằng việc kết hợp giữa các đối tác am hiểu tình hình địa phương với các đối tác quốc tế giàu kinh nghiệm sẽ là cách tốt nhất nhằm đảm bảo sự thành công của các dự án điện mặt trời,” chia sẻ của ông Rainer Brohm, chuyên gia đặc vụ năng lượng mặt trời có bài thuyết trình tại hội thảo.

Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đưa điện mặt trời trở thành một trong những nguồn năng lượng tái tạo mới chủ chốt trong tương lai, với việc nâng công suất lắp đặt hiện đang ở mức 6-7 MW vào cuối năm 2017 lên đến 850 MW vào năm 2020 (tương đương với 1,6% tổng sản lượng điện của Việt Nam) và 12,000 MW vào năm 2030 (tương đương với 3,3% tổng sản lượng điện của Việt Nam).

Vào năm 2017, trên toàn cầu, công suất lắp đặt điện mặt trời đã tăng thêm 30%. Còn tại Trung Quốc, công suất lắp đặt này đã tăng lên gấp đôi. Hiện nay, điện mặt trời là ngành năng lượng phát triển nhanh nhất trên thế giới.

Tin tức

mới nhất