ào ngày 14 tháng 3 tại Hà Nội, Cơ quan Hợp tác phát triển Đức GIZ đã giới thiệu nghiên cứu về Cơ chế Đấu thầu cho điện gió tới gần 60 đại biểu và các đối tác trong ngành tại Hội thảo tham vấn “Phân tích và cân nhắc về áp dụng cơ chế đấu thầu cho điện gió tại Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ mở rộng quy mô điện gió” do Tổ chức Hợp tác Phát triển GIZ hợp tác với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương triển khai, dưới sự ủy quyền của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ).
Tại hội thảo, các đại biểu đã tìm hiểu thêm về đấu thầu, đây là một xu hướng đang trở thành một phần không thể thiếu trong các cơ chế hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo trên thế giới nói chung và ngành điện gió nói riêng. Chuyên gia quốc tế cũng đã chia sẻ các ví dụ và bài học từ quốc tế về việc triển khai cơ chế này. Hội thảo cũng trình bày các kết quả nghiên cứu về việc áp dụng Cơ chế Đấu thầu cho điện gió tại Việt Nam của GIZ, bao gồm các phân tích và kết quả, cũng như ý kiến đề xuất và lộ trình triển khai cơ chế đấu thầu cho điện gió.
“Mỗi cơ chế hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo đều có những ưu và nhược điểm riêng. Để lựa chọn một cơ chế phù hợp, cần có sự cân nhắc và đánh giá kỹ lưỡng về bối cảnh cũng như các mục tiêu đặt ra. Đây là lí do tại sao hội thảo này có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi đây là cơ hội để các bên liên quan được gặp gỡ, trao đổi và lắng nghe những ý kiến, băn khoăn từ nhiều quan điểm khác nhau. Thông qua đó, chúng ta có thể hy vọng rằng các đề xuất về khả năng ứng dụng của cơ chế đấu thầu sẽ trở thành động lực tích cực góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành điện gió trong tương lai”, ông Tobias Cossen, Quản lí dự án Hỗ trợ Mở rộng Quy mô Điện gió của GIZ cho biết.
Nằm trong vùng khí hậu gió mùa và được định hình bởi đường bờ biển dài 3000 km, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển điện gió. Theo trích dẫn từ bản đồ Atlas gió năm 2011, ước tính tiềm năng này vào khoảng 24 Gigawatt (GW)*, tuy nhiên, hiện nay công suất điện gió được lắp đặt của Việt Nam mới chỉ đạt 190 Megawatt.
Theo Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia điều chỉnh, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển điện gió là 800 MW vào năm 2020 và 6000 MW vào năm 2030.
(*) Nguồn: “Bản đồ Atlas Tiềm năng gió tại Việt Nam”, Công ty AWS True Power, 2011