ESP

Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ

Đề Xuất Khung Pháp Lý cho “Ứng Dụng Lưới điện Thông Minh”

Chia sẻ
In

Ngày 21/11/2019, Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) đã tổ chức Hội thảo tham vấn, tổng kết, đánh giá và đề xuất khung pháp lý cho “Ứng dụng Lưới điện thông minh”, để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả tại Việt Nam.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án Hợp tác kỹ thuật song phương: “Lưới điện thông minh cho năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng”, giữa Chính phủ Đức và Chính phủ Việt Nam. Đại diện các bộ, ban ngành liên quan, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các công ty thành viên, các đối tác phát triển quốc tế, giảng viên trường đại học tại Việt Nam, các nhà đầu tư tư nhân cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế đã tham dự hội thảo.

Ông Trần Tuấn Quang – Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực – cho biết: “Để thúc đẩy việc thực hiện Đề án phát triển “Lưới điện thông minh” tại Việt Nam, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 8/11/2012, Cục Điều tiết Điện lực với sự hỗ trợ, phối hợp của GIZ và chuyên gia tư vấn quốc tế đã nghiên cứu, đưa ra một số đề xuất quan trọng đối với khung pháp lý cần được quy định trong thời gian tới. Cục Điều tiết Điện lực tiếp tục kỳ vọng sẽ nhận được các ý kiến thảo luận, góp ý của các cán bộ chuyên gia kỹ thuật để cùng với các chuyên gia tư vấn rà soát, đánh giá và đề xuất khung pháp lý phù hợp với điều kiện thực tế của Lưới điện thông minh và hệ thống điện Việt Nam trong giai đoạn sắp tới”.

Ông Tobias Cossen – Giám đốc Dự án thuộc GIZ – nhận xét: “Tốc độ phát triển các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo ngày càng nhanh tại Việt Nam trong một năm trở lại đây. Kế hoạch phát triển các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo đến năm 2030 của Việt Nam cũng khá tham vọng, đặc biệt là các nguồn điện sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió vẫn thay đổi theo điều kiện thời tiết. Chúng ta có thể thấy, Hệ thống điện Việt Nam chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức cả về kỹ thuật và tài chính. Vì vậy, cần phải nhanh chóng bổ sung các quy định pháp lý phù hợp để cho phép tích hợp tỷ lệ cao các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, mà không làm ảnh hưởng tới đáng tin cậy cung cấp điện, chất lượng điện năng của Hệ thống điện, cũng như hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới giá điện bình quân toàn Hệ thống”.

Tại hội thảo, nhóm chuyên gia tư vấn quốc tế đã trình bày kết quả nghiên cứu, đánh giá khung pháp lý hiện tại của Việt Nam, đưa ra các bài học kinh nghiệm quốc tế, đồng thời đề xuất khung pháp lý quan trọng cho “Ứng dụng Lưới điện thông minh” để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả tại Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu đã tập trung vào việc xác định và phân tích các khoảng trống quan trọng về khung pháp lý và những quy định hiện hành tại Việt Nam liên quan tới “Ứng dụng Lưới điện thông minh” cho năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng, bao gồm: Các quy định về tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo; các quy định về triển khai các công nghệ năng lượng thông minh; các tiêu chuẩn kỹ thuật cho công nghệ năng lượng thông minh, các quy định kỹ thuật và tiêu chuẩn liên kết lưới điện.

Trên cơ sở đánh giá các quy định còn chưa có trong khung pháp lý hiện tại của Việt Nam, đối chiếu với các bài học kinh nghiệm quốc tế, nhóm chuyên gia tư vấn quốc tế đã chỉ ra rằng, Việt Nam có chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo rõ ràng với mục tiêu và chiến lược cụ thể. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam đã ban hành cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo thông qua cơ chế giá FIT hấp dẫn với hợp đồng mua bán điện (PPAs) dài hạn và trợ cấp về các loại thuế liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động vốn của các dự án năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ở phía người sử dụng điện lực chưa được quan tâm đúng mức. Các Hợp đồng mua bán điện (PPAs) hiện mới hướng tới việc ký với một bên mua duy nhất là EVN, trong khi cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPAs) cho phép các nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo bán trực tiếp điện cho các khách hàng sử dụng điện lớn mới chỉ ở bước lên kế hoạch thực hiện thí điểm. Ngoài ra, việc phê duyệt tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo lớn tập trung chủ yếu vào một số vùng lãnh thổ nhất định, chưa đáp ứng được hiện trạng và tiện ích đầu tư của lưới truyền tải điện; và cơ chế giá FIT hiện hữu chưa phản ánh theo tín hiệu giá thị trường điện.

Tại hội thảo, nhóm chuyên gia tư vấn quốc tế đã đưa ra một số khuyến nghị đối với khung pháp lý tại Việt Nam liên quan đến các cơ chế khuyến khích các nhà máy điện năng lượng tái tạo tham gia cung cấp dịch vụ phụ trợ; các cơ chế kiểm soát quá tải lưới điện, hạn chế giảm phát của các nguồn năng lượng tái tạo phù hợp với xu hướng tích hợp tỷ lệ cao năng lượng tái tạo; các cơ chế khuyến khích lắp đặt hệ thống lưu trữ năng lượng và cho phép sự tham gia của các nhà cung cấp dịch vụ phụ trợ để tăng tính linh hoạt và đảm bảo tin cậy của hệ thống điện. Ngoài ra, còn có các đề xuất về các cơ chế thực hiện Chương trình Điều chỉnh phụ tải (DR) và khuyến khích vận hành mô hình nhà máy điện ảo (VPP). Sau hội thảo, dự kiến nhóm chuyên gia tư vấn sẽ đưa ra các khuyến nghị cuối cùng phù hợp nhất để áp dụng tại Việt Nam.

Ng?c Qu?nh

Nguồn: Báo Công Thương

Tin tức

mới nhất