Chuyên gia từ Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) đã đóng góp kinh nghiệm về việc xác định giá điện gió tại Việt Nam thông qua chuỗi hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế trong đấu thầu dự án năng lượng tái tạo” (IEREA2021), được Tổ chức Các nền kinh tế Thái Bình Dương (PECC3) phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) tổ chức.
Tại hội thảo ngày 30/09/2021, tiến sĩ David Jacobs – Giám đốc IET Consulting, chuyên gia GIZ chia sẻ kinh nghiệm của Đức về tính toán giá điện gió khi chuyển đổi sang cơ chế đấu thầu đối với các dự án điện gió trên đất liền; từ đó đưa ra nhận định về tình hình thực tế và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam khi xây dựng các cơ chế giá áp dụng cho dự án điện gió trên đất liền.
Mở đầu phần trình bày, tiến sĩ Jacobs nhắc đến câu chuyện chính sách với những sửa đổi về khung pháp lý của Đức đối với điện gió trong suốt gần 30 năm. Nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp quốc gia đầy tiềm năng này, chính phủ Đức đã áp dụng cơ chế giá bán điện cố định FIT từ năm 1990, đưa nước này trở thành một trong những quốc gia tiên phong về việc thực hiện cơ chế này trên thế giới. Trong gần ba thập kỷ qua, cơ chế giá bán điện cố định FIT được xem như kim chỉ nam trong việc thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư, các nhà phát triển dự án với các dự án điện gió. Tuy nhiên, sau khi thị trường có dấu hiệu xuống dốc do nhiều vấn đề gây ra bởi cơ chế FIT như các vấn đề về vận động viên đầu nối, cơ sở hạ tầng quy hoạch không đồng đều, tranh chấp mặt bằng …, Đức đã quyết định chuyển sang cơ chế đấu thầu cạnh tranh từ năm 2017. Đến nay, Đức đã cơ bản hoàn thành quá trình chuyển đổi từ cơ chế giá cố định FIT sang đấu thầu cạnh tranh cho các dự án điện gió trên đất liền.
Thị trường năng lượng tái tạo ở Việt Nam được đánh giá là đã phát triển đạt đến quy mô nhất định, việc chuyển đổi từ cơ chế FIT sang cơ chế đấu thầu sẽ giúp nhà quản lý chính sách quản lý tốt hơn tình hình phát triển ngành năng lượng tái tạo thông qua mức giá phản ánh thị trường, đồng thời mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư một thị trường cạnh tranh minh bạch.
Về kinh nghiệm xác định giá, tiến sĩ Jacob đã đề cập đến việc giá giảm mạnh do mức độ cạnh tranh cao trong các vòng đấu giá năm 2017. Mức giá bình quân gia quyền của các lần đấu thầu thành công giảm từ 5,71 cent/kWh vào tháng 5/2017 xuống còn 4,28 cent/kWh vào tháng 8 năm 2017 và 3,82 cent/kWh vào tháng 11 năm 2017. Theo kinh nghiệm của Đức, tiến sĩ Jacob đã chỉ ra một bài học kinh nghiệm cho việc định giá điện gió ở Việt Nam là các nhà thầu sẽ không tiết lộ mức chi phí thực của họ thay vào đó là mức chi phí mà họ nghĩ là đủ thấp để thắng thầu. Quá trình đấu thầu được xem như một quá trình đòi hỏi các bên thầu cần có sự nhạy bén trong quan sát thị trường và đối thủ cạnh tranh để điều chỉnh mức giá phù hợp trong các vòng đấu thầu sau, chứ không phải là một quá trình tĩnh. Trong những vòng đấu giá đầu tiên, mức giá thường tương đối thấp. Trong các vòng đấu giá tiếp theo, giá có thể tăng trở lại tùy theo mức độ cạnh tranh, địa điểm, quy trình dự án. Trong trường hợp không có cạnh tranh, nhà thầu có thể đưa ra mức giá gần với giá trị thị trường.
Trong bài trình bày, tiến sĩ Jacob cũng nhấn mạnh tính hiệu quả của cơ chế kết hợp giữa FIT và
đấu thầu. Ông nhận mạnh rằng hai cơ chế FIT và đấu thầu thực chất không đối kháng lẫn nhau. Trên thực tế, hai cơ chế này có thể được kết hợp theo nhiều cách khác nhau để phát huy lợi thế của từng cơ chế và giảm thiểu tác động tiêu cực của chúng. Ở một số nước Châu Âu, bao gồm Đức, cơ chế FIT được áp dụng cho các dự án năng lượng tái tạo quy mô nhỏ, cơ chế đấu thầu áp dụng cho các dự án quy mô lớn. Cách phân bổ này được đánh giá là hợp lý do các dự án quy mô lớn mới có thể dễ dàng xử lý vấn đề vốn đầu tư cao trong quá trình đấu thầu. Đồng thời, các nhà phát triển dự án của các dự án quy mô lớn ít lo ngại trước rủi ro hơn và do đó có thể xử lý tốt hơn các rủi ro liên quan đến cơ chế đấu thầu cạnh tranh. Ngoài ra, một số quốc gia thậm chí đã sử dụng mức giá trong đấu thầu làm cơ sở để xác định mức giá cố định FIT.
Về trường hợp điện gió ở Việt Nam, tiến sĩ Jacob kết luận rằng Việc tăng cường sự tham gia của các đơn vị phát triển cộng đồng, chẳng hạn như của các dự án điện gió thuộc sở hữu của cộng đồng hiện không phải là mục tiêu chính sách quan trọng ở Việt Nam. Thị trường điện Việt Nam hiện đang ở giai đoạn sơ khai của quá trình tự do hóa. Khi Việt Nam thực hiện thêm các bước tự do hóa thị trường và đánh giá cạnh tranh, việc xem xét chuyển đổi từ giá FIT sang cơ chế đấu thầu là cần thiết. Tuy nhiên, việc chuyển từ cơ chế hỗ trợ này sang cơ chế hỗ trợ khác sẽ gây ra những hệ lụy không nhỏ đến nhiều mặt của thị trường cũng như hoạt động của tất cả các bên liên quan. Các nhà đầu tư và phát triển dự án trong nước thường phải đối mặt với ảnh hưởng nặng nề hơn từ việc chuyển đổi này so với các nhà đầu tư và phát triển dự án nước ngoài. Do đó cần có một giai đoạn chuyển đổi để đảm bảo sự phát triển ổn định và thích ứng cho ngành. Quá trình chuyển đổi từ giá FIT sang cơ chế đấu thầu cần được xem xét kỹ lưỡng tính đến những lợi ích kinh tế xã hội tiềm năng có thể bị mất đi khi đưa nhà đầu tư và phát triển dự án quốc gia ra khỏi thị trường.