ESP

Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ

Cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải quốc gia vẫn còn nhiều khó khăn.

Chia sẻ
In

Bài viết của anh Dương Mạnh Cường
Cán bộ dự án cấp cao
Chương trình Hỗ trợ Năng lượng Bộ Công Thương/GIZ

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc “ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững; khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng” từ Nghị quyết số 55-NQ-TW ngày 11/02/2020 về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ thảo luận và biểu quyết thông qua Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) vào ngày 18/6/2020 trong đó sẽ quy định việc đầu tư theo phương thức PPP trong lĩnh vực lưới điện và nhà máy điện. Dự án Luật này được kỳ vọng sẽ giải quyết được “nút thắt” và tạo ra “cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia”, đây được đánh giá là một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để phát triển nhanh và bền vững ngành điện đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên xung quanh việc triển khai chính sách này vẫn còn những vấn đề và ý kiến khác nhau về mặt pháp lý và kinh tế – kỹ thuật cần được nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm mang lại lợi ích hài hòa cho xã hội và nhà đầu tư.

Ở khía cạnh quản lý vận hành, lưới điện truyền tải là hệ thống mang tính xương sống và huyết mạch của Hệ thống điện quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội, quyết định việc đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh quốc gia. Chính bởi tầm quan trọng của Lưới điện truyền tải mà Luật Điện lực năm 2004 quy định “Nhà nước đặc quyền trong hoạt động truyền tải, điều hành hệ thống điện quốc gia, xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn”. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các thành phần kinh tế ngoài nhà nước không thể được phép tham gia hoạt động đầu tư lưới điện truyền tải.

Gần đây nhất, tại Công văn số 70/TTg-CN ngày 09/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua chính sách giao Nhà đầu tư từ nhân (sau này Trung Nam Group được giao làm Chủ Đầu tư từ Công văn số 831 ngày 18/3/2020 của UBND tỉnh Ninh Thuận) thực hiện đầu tư nhà máy điện mặt trời 450MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận kết hợp với hệ thống lưới điện truyền tải 500kV, 220kV đầu nối vào Hệ thống điện quốc gia đưa vào vận hành đúng tiến độ trong năm 2020 để truyền tải, giải tỏa hết công suất nhà máy điện mặt trời này và các nhà máy điện năng lượng tái tạo khác trong khu vực vào Hệ thống điện quốc gia. Chính sách này được đánh giá là giải pháp kịp thời nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng mặt trời ở khu vực có tiềm năng lớn về bức xạ mặt trời (tỉnh Ninh Thuận) trong bối cảnh EVN/EVNNPT đang phải cố gắng huy động vốn đầu tư cho các Dự án lưới điện truyền tải theo Quy hoạch đã được duyệt.

Theo đúng tiến độ đưa vào vận hành, Dự án nhà máy điện mặt trời 450MW này sẽ được hưởng giá FIT (9,35USCent/kWh) quy định tại Quyết định 11/2017/QĐ-TTg theo Nghị Quyết 115/NQ-CP, giá FIT này cao hơn nhiều so với giá FIT vừa được ban hành sẽ áp dụng cho các Dự án nhà máy điện mặt trời vận hành trong giai đoạn từ ngày 01 tháng 7 năm 2019 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020 theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg (7,09USCent/kWh). Đổi lại, sau khi hoàn thành đầu tư, Chủ Đầu tư sẽ phải bàn giao hệ thống hạ tầng lưới truyền tải cho EVN/EVNNPT quản lý, đồng thời không yêu cầu hoàn trả kinh phí đầu tư (hoặc bàn giao với chi phí 0 đồng). Đây có lẽ là bài toán hiệu quả kinh tế đầu tư mà Trung Nam Group đã phải tính toán rất “cẩn trọng và khôn ngoan”.

Một trong những điều kiện khác khi Trung Nam Group được giao đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải nêu trên là Trung Nam Group phải đồng ý cho phép các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn huyện Thuận Nam tham gia đấu nối, giải tỏa công suất theo yêu cầu của UBND tỉnh Ninh Thuận (trong trường hợp chưa hoàn thành bàn giao cho EVN/EVNNPT). Tuy nhiên, có vẻ như không còn nhiều dung lượng truyền tải cho các Dự án khác đấu nối vào hệ thống lưới điện truyền tải này vì Trung Nam Group lại vừa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép nâng quy mô công suất Dự án nhà máy điện gió Trung Nam từ 105,75MW lên thành 151,95MW đấu nối vào hệ thống lưới truyền tải nêu trên (tại Công văn số 311/TTg-CN). Tuy nhiên, vẫn còn những công việc đáng chú ý cần được thảo luận kỹ giữa các cơ quan có liên quan, đặc biệt là giữa EVN/EVNNPT và Trung Nam Group để phân định rõ phạm vi đầu tư; vai trò các bên trong việc giám sát công tác thiết kế, đầu tư, quản lý chất lượng xây dựng công trình trước khi có thể thực hiện công tác tiếp nhận bàn giao và quản lý vận hành đáp ứng quy định và quy chuẩn hiện hành.

Thực tiễn ở các nước phát triển Châu Âu cho thấy, việc lưới điện truyền tải quốc gia được sở hữu và vận hành bởi nhiều Công ty truyền tải điện tư nhân/cổ phần (thậm chí có nguồn gốc nước ngoài) đã được thực hiện rất thành công và hiệu quả trong nhiều năm qua bởi họ có một hệ thống quy định hoạt động điều tiết, giám sát trong lĩnh vực truyền tải và điện lực rất toàn diện và thường xuyên được cập nhật sửa đổi để phù hợp với thực tiễn. Ví dụ: Lưới điện truyền tải ở Đức được sở hữu, quản lý và vận hành bởi 4 công ty truyền tải (TSOs) gồm: TenneT do Tổng công ty Truyền tải điện Hà Lan (100% vốn nhà nước) sở hữu; Amprion do các nhà đầu tư của Đức sở hữu; Transnet BW do một công ty của chính quyền địa phương sở hữu; 50Hertz là công ty cổ phần với 60% cổ phần thuộc về ELIA và 40% còn lại thuộc về Quỹ hỗ trợ tài nguyên Australia.

Trong bối cảnh hiện trạng ngành điện của Việt Nam, để Dự thảo Luật PPP có thể được áp dụng hiệu quả cho phép tư nhân đầu tư Dự án lưới điện truyền tải bao gồm cả: (1) Hệ thống truyền tải điện phục vụ đầu nối từ các nhà máy điện/ cảm nhà máy điện tại điểm đầu nối vào Hệ thống điện quốc gia và (2) Hệ thống truyền tải điện quốc gia mang tính xương sống và huyết mạch, cần lưu ý các vấn đề sau:

  1. Đảm bảo tính đồng bộ của các văn bản quy phạm pháp luật: cần rà soát, kiến nghị sửa đổi các quy định liên quan tới Luật Điện lực, đặc biệt là sửa đổi quy định về “Đặc quyền nhà nước về hoạt động truyền tải điện” theo hướng “nhà nước không đặc quyền trong đầu tư lưới truyền tải điện mà chỉ đặc quyền trong quản lý, vận hành lưới điện truyền tải” để tháo gỡ vướng mắc pháp lý, cho phép các thành phần kinh tế tư nhân tham gia hoạt động đầu tư lưới truyền tải điện. Có nghĩa Dự án Lưới điện truyền tải sau khi được đầu tư sẽ được nghiệm thu bàn giao cho EVN/EVNNPT quản lý, vận hành, bảo dưỡng sửa chữa (khác với mô hình 4 Công ty truyền tải của Đức, tự đầu tư, sở hữu và quản lý vận hành).
  2. Đảm bảo thu hồi các chi phí hợp lý cho các bên: Tách biệt chi phí đầu tư, chi phí quản lý vận hành, bảo dưỡng sửa chữa dự án lưới truyền tải điện. Từ đó, quy định phương pháp xác định phí truyền tải để đảm bảo nhà đầu tư thu hồi vốn và lợi nhuận hợp lý; Xác định chi phí quản lý vận hành, bảo dưỡng sửa chữa để EVN/EVNNPT có thể trang trải chi phí sau khi nhận bàn giao Dự án lưới điện truyền tải từ các nhà đầu tư tư nhân.
  3. Đảm bảo đúng bộ chất lượng công trình: Rà soát, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nhằm đảm bảo vai trò giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thẩm tra/thẩm định thiết kế, lập tổng mức đầu tư/tổng đề toán, thi công, quản lý chất lượng công trình, thử nghiệm, nghiệm thu bàn giao tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành để đảm bảo chất lượng công trình, tính đúng bộ về thiết bị, ghép nối nhằm đảm bảo sự an toàn, ổn định, tin cậy trong quản lý vận hành.
  4. Xây dựng lộ trình chuyển đổi xã hội hóa lưới điện truyền tải: Sau khi Luật PPP được ban hành và Luật Điện lực được sửa đổi phù hợp, Chính phủ cần thông qua lộ trình thực hiện xã hội hóa lưới điện truyền tải theo hướng tăng bậc dần chuyển đổi từ đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải sang khu vực tư nhân theo mức độ quan trọng của Dự án lưới điện truyền tải từ thấp tới cao. Bước đầu xem xét giao nhà đầu tư ngoài nhà nước làm chủ đầu tư Dự án lưới điện truyền tải điện phục vụ đầu nối từ các nhà máy điện/ cảm nhà máy điện tại điểm đầu nối vào Hệ thống điện quốc gia, do lưới điện truyền tải này chỉ mang tính cấp bách và có phạm vi ảnh hưởng không lớn khi có sự cố xảy ra. Sau khi cơ sở phát triển của xã hội hóa lưới điện truyền tải được đánh giá ổn định, thì sẽ xem xét giao nhà đầu tư tư nhân để nâng cấp đầu tư Dự án truyền tải điện quốc gia mang tính xương sống và huyết mạch.

Nguồn: Vietnam Investment Review

Tin tức

mới nhất