ESP

Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ

Phát triển năng lượng tái tạo: Cần cải thiện hệ thống lưới điện truyền tải.

Chia sẻ
In

Tính đến tháng 2 năm 2019, tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện Việt Nam là 50,3GW, trong đó, nguồn năng lượng sản xuất điện chính là thủy điện (chiếm 40%), than đá (37,6%), khí tự nhiên (18,1%) và nguồn nhập khẩu (2,8%).

Theo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia VII được điều chỉnh vào tháng 3 năm 2016, Việt Nam đặt mục tiêu tổng cộng 1.650MW năng lượng tái tạo (NLTT) trong sản xuất điện (800MW điện gió và 850MW điện mặt trời đến năm 2020). Tính đến cuối năm 2019, 400MW điện gió và 2.000MW điện mặt trời dự kiến sẽ hòa lưới điện. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng.

Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, đến tháng 6 năm 2019 sẽ có khoảng gần 100 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất gần 5.000 MW được bổ sung hòa lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, sự chuyển đổi trong cấu trúc sản xuất điện lại là thách thức đối với việc quản lý lưới điện. Việc quản lý này phải đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định, lâu dài và hiệu quả kinh tế (có sự điều tiết của nhà nước).

Trong việc phát triển NLTT tại Việt Nam hiện nay, một trong những vấn đề khó khăn nhất cần giải quyết là lưới điện truyền tải và phân phối. Hệ thống lưới hiện tại được thiết kế để truyền tải một chiều: điện năng chỉ đi theo một hướng từ các nguồn phát điện đến người tiêu thụ (phát tới điện). Việc đưa điện có thể được thực hiện nhưng khá khó khăn trong khi việc truyền tải thông tin chỉ diễn ra một chiều.

Việt Nam đang trong quá trình triển khai lưới điện thông minh. Đây được hiểu là lưới điện truyền dẫn hai chiều, trong đó, điện năng và thông tin có thể truyền tải theo hai hướng: từ nhà sản xuất điện tới người tiêu thụ và ngược lại. Lưới điện thông minh sẽ sử dụng công nghệ số để theo dõi và quản lý truyền tải từ các nguồn phát điện, nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người tiêu thụ.

Theo các chuyên gia, lưới điện thông minh sẽ giúp tăng cường tính ổn định, an toàn và hiệu quả của hệ thống điện, đồng thời cho phép các nguồn năng lượng tái tạo không ổn định, như năng lượng điện gió và điện mặt trời, có thể hòa lưới điện quốc gia trên diện rộng.

Trong thời gian qua, tổ chức GIZ đã tham gia hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện lộ trình lưới điện thông minh thông qua Dự án Lưới Điện Thông Minh cho NLTT và Hiệu quả năng lượng (SGREEE). Dự án này nhằm tìm kiếm các công nghệ và giải pháp lưới điện thông minh khả thi, cho phép các nguồn năng lượng tái tạo có thể hòa lưới điện tại Việt Nam. Theo ông Jonas Hagemann, cố vấn dự án Lưới Điện Thông Minh GIZ, hiện có hai khó khăn:

“Khó khăn thứ nhất là giới hạn công suất truyền tải và áp lực đầu tư lưới điện. Sau khi Chính phủ ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển điện gió và điện mặt trời, các dự án đầu tư vào hai nguồn năng lượng này đã tăng lên đáng kể. Cho đến nay, tổng cộng có khoảng 2,8GW công suất nhà máy điện gió và 10GW công suất nhà máy điện mặt trời đã được phê duyệt; trong khi theo quy hoạch, đến năm 2020, Việt Nam dự kiến chỉ có khoảng 0,8GW công suất lắp đặt của nhà máy điện gió và 0,85GW công suất lắp đặt nhà máy điện mặt trời.”

Việc tăng tỷ trọng NLTT trong cấu trúc sản xuất điện là một thách thức lớn đối với lưới điện quốc gia. Sự chuyển đổi trong cấu trúc sản xuất điện cũng gây khó khăn cho vận hành quản lý lưới điện để đảm bảo nguồn cung điện tin cậy, ổn định và bền vững. Trong khi đó, trong những năm tới, nhu cầu điện trên cả nước được dự báo sẽ tăng trên 10% mỗi năm.

Ngoài ra, việc kết nối lưới điện với các quốc gia láng giềng vẫn còn yếu. Điều này làm giảm công suất dự phòng hệ thống trong trường hợp công suất phát của các nguồn NLTT có biến động lớn, cũng như tối đa hóa sự sử dụng các nguồn năng lượng trong hệ thống điện.

Tôi cho rằng, việc áp dụng các chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phản ứng tải điện (DR) vẫn chậm, chưa hỗ trợ nhiều cho việc giảm lượng điện tiêu thụ trong giờ cao điểm cũng như tiết kiệm năng lượng.

Khó khăn thứ hai là hạn chế về cơ sở hạ tầng cho truyền thông và trao đổi dữ liệu. Để đảm bảo tính ổn định của hệ thống điện năng, cung và cầu cần cân bằng, các đơn vị vận hành lưới điện phải mở rộng và cải thiện cơ sở hạ tầng để có thể thu thập được dữ liệu thời gian thực.

Công nghệ lưới điện thông minh, không chỉ cho phép truyền tải điện mà còn trao đổi thông tin, có thể tăng cường tính ổn định, an toàn và hiệu quả của hệ thống điện, đồng thời cho phép các nguồn NLTT không ổn định, như năng lượng điện gió và điện mặt trời, có thể hòa lưới điện quốc gia trên diện rộng. Do đó, khi tỷ trọng NLTT tăng trong cấu trúc sản xuất điện, phải xây dựng hệ thống dự báo ngắn hạn về sản lượng NLTT để có thể cân bằng cung cầu.

Do vậy, để phát triển NLTT, cần phải hỗ trợ phát triển và xây dựng các khung chính sách và quy định cho các việc sau:

  • Hỗ trợ các nguồn NLTT hòa lưới điện (ví dụ như các luật về lưới điện).
  • Quản lý phổ tần hiệu quả hơn.
  • Lên kế hoạch dựa theo các kịch bản nội lực điện và khả năng cung cấp điện, trong đó tính đến việc tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo hòa lưới điện trong những năm tới.
  • Kết nối lưới điện giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, hình thành một hệ thống lưới điện đồng bộ khắp Đông Nam Á.
  • Đưa ra cơ chế hoạt động và quản lý dữ liệu cho các hệ thống truyền tải và phân phối điện, trong đó tính đến tỷ lệ NLTT.
  • Cho phép nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư nâng cấp lưới điện. Điều này nên được thực hiện khi Tổng công ty điện lực Việt Nam gặp khó khăn trong huy động nguồn tài chính để xây dựng và nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện đáp ứng được sự gia tăng nhanh chóng của nguồn NLTT.
  • Và cuối cùng là tạo cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời áp mái trong khu vực dân cư, khu vực công nghiệp và khu vực thương mại.

Tin tức

mới nhất