ESP

Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ

Nghiên cứu phân tích về lợi ích – Chi phí của các dạng năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Chia sẻ
In

Nghiên cứu Phân tích về Lợi ích – Chi phí của các dạng năng lượng tái tạo (không ổn định) tại Việt Nam

Vào ngày 13 tháng 7, hơn 50 đại biểu đến từ các cơ quan chính phủ, các chuyên gia tư vấn trong ngành năng lượng tái tạo và đại diện của các tổ chức tài chính đã gặp nhau tại hội thảo và lắng nghe kết quả từ Nghiên cứu phân tích Lợi ích – Chi phí của các nguồn năng lượng tái tạo khi tích hợp vào hệ thống, tập trung chủ yếu vào năng lượng gió. Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ mở rộng quy mô điện gió” và dự án “Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng”, do Tổ chức Hợp tác Phát triển GIZ hợp tác với Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương triển khai dưới sự ủy quyền của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ).

Tại hội thảo, các chuyên gia tư vấn đã trình bày các chi tiết và kết quả về nghiên cứu lập bản đồ tiềm năng gió sử dụng phần mềm và phân tích GIS, do Cơ quan Năng lượng Đan Mạch triển khai, với sự cộng tác của Viện Năng lượng. Báo cáo về Bản đồ này đã khẳng định tiềm năng phát triển năng lượng gió của Việt Nam. Áp dụng các điều kiện loại trừ trên (ví dụ như đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất thực phẩm, các khu vực quân sự và hành chính, điều kiện cơ sở hạ tầng) áp dụng cho phân tích GIS, kết quả nghiên cứu cho biết tiềm năng kỹ thuật phát triển năng lượng gió ở Việt Nam dự kiến là 27 Gigawatt (GW).

Ảnh: Bà Sonia Lioret, Quản lí dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả Năng lượng của GIZ phát biểu tại hội thảo.

Thêm vào đó, tiềm năng gió chi tiết tại 6 tỉnh, bao gồm Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định và Quảng Ngãi cũng đã được đánh giá chi tiết. Kết quả cho thấy các tỉnh này đều có tiềm năng cao về phát triển điện gió, dự kiến tiềm năng có thể lên đến hơn 12 GW. Nghiên cứu cũng đã xác định các khu vực có tốc độ gió trung bình phù hợp để phát triển dự án tại 06 tỉnh trên.

“Chúng tôi hy vọng rằng các kết quả nghiên cứu lập bản đồ và báo cáo sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích với các nhà quy hoạch chính sách và các đối tác trong ngành năng lượng tái tạo, và hỗ trợ chính quyền các tỉnh có kế hoạch phát triển điện gió và tối đa hóa việc tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo không ổn định vào hệ thống. Điều này cũng sẽ giúp Việt Nam đ

ạt được các mục tiêu lâu dài về sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu lượng khí nhà kính cũng như thực hiện Chiến lược Tăng trưởng Xanh,” ông Tobias Cossen, Quản lí dự án Hỗ trợ Mở rộng Quy mô Điện gió của GIZ cho biết.

Trong phần thứ hai của buổi hội thảo, các chuyên gia đã trình bày các phân tích về Giá điện bình quân quy định (LCOE) cho các vùng có tiềm năng gió, áp dụng các tiêu chí lựa chọn như hệ thống lưới hiện có, địa hình, khoảng cách đến các khu vực đặc thù, tốc độ gió v.v.. Dựa trên những thông tin này, các đại biểu tham gia hội thảo đã thảo luận về các kết luận và đề xuất cho sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Tiếp theo sau hội thảo, các đại biểu sẽ tiếp tục tham gia khóa tập huấn một ngày về sử dụng phần mềm GIS để lập bản đồ tiềm năng cho gió và mặt trời và phân tích LCOE áp dụng các điều kiện loại trừ trên nền các lớp dữ liệu về cơ sở hạ tầng, lưới điện, hiện trạng sử dụng đất và hành chính. Chương trình tập huấn dự kiến sẽ cung cấp cho các chuyên gia tư vấn và các đại biểu công cụ GIS phù hợp để xác định và dự đoán tiềm năng kỹ thuật và tiềm năng kinh tế của các nguồn năng lượng tái tạo khác nhau.

Chú thích:

Năng lượng tái tạo (không ổn định): Điện gió, Điện mặt trời

GIS: Phần mềm Geographic Information System – Hệ thống thông tin địa lý

Tin tức

mới nhất