ESP

Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ

Thúc đẩy ứng dụng các công nghệ tiên tiến hỗ trợ tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo cho Việt Nam

Chia sẻ
In

Thách thức vận hành lưới điện

Nhằm thực hiện những cam kết tại Hội nghị COP 26 về mục tiêu đưa mức phát thải ra “0” đến năm 2050, Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp để hiện thực hóa cam kết này. Trong đó, kế hoạch chuyển đổi năng lượng đã được Việt Nam ưu tiên thực hiện. Trong những năm qua, nhờ các chính sách khuyến khích của Đảng và Chính phủ cùng với sự đầu tư của bộ, ngành, lĩnh vực năng lượng tái tạo đã có những bước phát triển tích cực.

Tuy nhiên, sự phát triển của lĩnh vực năng lượng tái tạo trong thời gian qua, đặc biệt là các nguồn năng lượng mới, năng lượng phân tán đã mang đến nhiều thách thức cho quá trình vận hành lưới điện. Đó là sự phụ thuộc của các nguồn năng lượng này vào các yếu tố khách quan như thời tiết, tác động môi trường… Đối với công nghệ năng lượng tái tạo, các nghiên cứu dự báo về khả năng phát của nguồn điện là yếu tố thiết yếu và nếu khả năng phát của các nguồn điện chính là không liên tục, không kiểm soát được thì việc tích hợp năng lượng tái tạo – lưới điện trở nên khó khăn hơn.

Đại diện Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC) cho rằng hiện nay, các hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt phân tán ở nhiều khu vực khác nhau. Trong đó, một số chủ sở hữu không có nhiều kinh nghiệm chuyên môn về kỹ thuật điện. Do đó, việc quản trị hệ thống điện có thể bị ảnh hưởng nếu các điều kiện, quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với hệ thống đầu nối lưới không được tuân thủ. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần có các giải pháp giảm thiểu tác động của nguồn năng lượng này đối với công tác quản lý vận hành, giúp công tác quản lý hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Đảm bảo tính ổn định và hiệu quả

Trước thực trạng này, ngày 15/5/2023, tại Hà Nội, Chương trình Hỗ trợ Năng lượng của GIZ (ESP) đã tổ chức chuỗi sự kiện hội thảo và triển lãm giới thiệu về các công nghệ tiên tiến hỗ trợ thúc đẩy tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo (vRE), nhằm hướng tới chuyển đổi năng lượng sạch.

Chương trình này được Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu CHLB Đức (BMWK) tài trợ trong khuôn khổ Đối thoại năng lượng Việt Nam – CHLB Đức.

Sự kiện này đã thu hút sự tham gia của hơn 130 đại diện từ các cơ quan, đơn vị thuộc khu vực công quản lý nhà nước chuyên ngành về Năng lượng, Điện lực cùng các công ty, doanh nghiệp và nhà đầu tư tại Việt Nam có liên quan đến lĩnh vực năng lượng tái tạo. Sự kiện bao gồm 2 phần chính là hội thảo và triển lãm trình diễn công nghệ.

Ông Markus Bissel, Giám đốc dự án Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đức tại GIZ, cho biết: “Sự kiện này tập trung vào công nghệ tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo (vRE). Đó là một phần quan trọng trong chuyển đổi năng lượng. Khu vực từ nhân là một phần quan trọng trong quá trình này. Ngoài ra, chúng ta cũng cần có cơ sở pháp lý đối với vấn đề này. Khu vực từ nhân cần được cung cấp thêm kiến thức. Đó là mục tiêu chính của sự kiện hôm nay. Trong hội thảo và triển lãm công nghệ này, các bên đã tích cực trao đổi với nhau.

Hội thảo bao gồm các chuyên đề lớn: Lưới điện thông minh và công nghệ tích hợp vRE; các giải pháp tối ưu hóa nguồn điện phân tán bao gồm công nghệ xe điện EV & công nghệ tích trữ năng lượng ESS; công nghệ cho phép tái sử dụng/chuyển đổi mục đích sử dụng các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch; công nghệ sản xuất Hydro xanh (GH2).

Tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp đã trình bày và thảo luận các nội dung: Giải pháp tích hợp toàn diện của Siemens cho lưới điện thông minh và tích hợp năng lượng tái tạo hướng tới giảm phát thải các-bon; công nghệ điều khiển và tối ưu hóa tiên tiến cho tích hợp nguồn vRE và tính linh hoạt của hệ thống điện; hệ thống giám sát, quản lý điện mặt trời SEMS-PV; hệ thống đo lường, giám sát, quản lý trạm biến áp và lưới điện hạ áp trực tuyến (S3M); SEMS-L hệ thống quản lý năng lượng thông minh – phụ tải; giới thiệu mô hình ESCO cho dự án tối ưu năng lượng; giảm thiểu tác động của nguồn vRE đến lưới điện hiện nay; nghiên cứu điện hình về công nghệ đáng đặt niên liệu sinh khối và than tại Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình…

Tại diễn đàn, các bên đã cùng thảo luận và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm ứng dụng thực tiễn về các công nghệ mới nhất, hỗ trợ cho việc tích hợp tối ưu các nguồn năng lượng tái tạo và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP26 nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Triển lãm trình diễn các công nghệ mới nhất trong tích hợp vRE cũng đã diễn ra đồng thời và liên tục trong ngày với sự tham gia của 12 doanh nghiệp trong và ngoài nước (Đức, châu Âu và Việt Nam).

Sự kiện đã tạo ra một diễn đàn trao đổi, kết nối các đại diện thuộc khối nhà nước và tư nhân tại Việt Nam bao gồm cả các nhà cung ứng dịch vụ kỹ thuật trong nước và quốc tế, qua đó cùng trao đổi các ý tưởng mới, thảo luận về những công nghệ tiên tiến nhất trong hỗ trợ tích hợp vRE.

Tin tức liên quan

Tin tức

mới nhất

Tin tức liên quan