ESP

Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ

Quy hoạch điện 8: Cần nguồn vốn lớn để phát triển năng lượng xanh.

Chia sẻ
In

Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia lần thứ 8 (QHĐLQG8) đã được thông qua vào tháng 5 năm nay thông qua Quyết định 500/QĐ-TTg. Quy hoạch này đặt ra một tiêu chuẩn cao cho các giai đoạn sắp tới của quá trình chuyển đổi năng lượng thông qua việc đặt ưu tiên vào an ninh năng lượng quốc gia với chi phí hợp lý nhất. Điều này là điều kiện tiên quyết phù hợp để đảm bảo phù cấp tiếp cận điện năng nhằm hỗ trợ tăng trưởng công bằng và toàn diện.

Với tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm dự kiến của Việt Nam đến năm 2030 là 7%, QHĐLQG8 dự báo hệ số nhu cầu điện năng là 1.3, tương đương với việc tốc độ tăng trưởng về nhu cầu điện đạt 9.1% (7% x 1.3), chiếm tỷ trọng cao hơn so với những năm gần đây.

Nhìn lại chặng đường phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian qua, ông Philipp Munzinger, Giám đốc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ (ESP) cho rằng Việt Nam đã có bước đột phá về tăng trưởng công suất lắp đặt điện mặt trời và điện gió, đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2021, qua đó khẳng định vị trí là quốc gia tiên phong trong việc áp dụng năng lượng sạch trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, công suất phát điện từ năng lượng mặt trời (21%) và năng lượng gió (5%), cùng với thủy điện (30%) đã chiếm tới hơn một nửa tổng công suất lắp đặt nguồn điện của quốc gia.

Trong những năm tiếp theo, QHĐLQG8 thiết lập các mục tiêu tiếp tục mở rộng quy mô năng lượng tái tạo, bao gồm việc tăng mạnh công suất điện gió từ khoảng 4.5 GW lên hơn 21 GW vào năm 2030. Trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, QHĐLQG8 đặt mục tiêu đạt công suất 6 GW vào năm 2030, từ 70-91 GW vào năm 2050. Đối với ngành than, QHĐLQG8 đặt mục tiêu điện than sẽ đạt công suất định 30,127 GW vào năm 2030. Sau năm 2030, trọng tâm chuyển sang các giải pháp chuyển đổi nhiên liệu để giảm phát thải carbon cho các nhà máy điện than còn đang vận hành, trong đó xem xét các lựa chọn như sinh khối hoặc amoniac xanh.

Trước yêu cầu thách thức này, QHĐLQG8 dự kiến cần huy động 15 tỷ USD đầu tư vào hạ tầng truyền tải điện trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Theo ông Philipp, việc tiếp tục mở rộng hệ thống điện truyền tải và tăng cường tính linh hoạt của lưới điện trong những năm tiếp theo sẽ giúp tích hợp các nguồn điện xanh mới vào hệ thống một cách dễ dàng.

Việt Nam cùng các nước G7 và các đối tác quốc tế khác đã thông qua tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác Chuyển đổi năng lượng bình đẳng (JETP). Đây là bước đi cần thiết để huy động nguồn lực tài chính và công nghệ, góp phần hỗ trợ Việt Nam thực hiện chính sách xây dựng nền kinh tế xanh, thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

“JETP với sự cam kết hỗ trợ 15.7 tỷ USD cũng chỉ là một bước khởi đầu để Việt Nam có thể thúc đẩy giai đoạn ban đầu của quá trình chuyển đổi. Trong thời gian tiếp theo, chắc chắn sẽ phải có các nguồn khác bổ sung và nhiều khoản đầu tư khác từ các bên liên quan để quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng thành hiện thực” – ông Philipp Munzinger nhấn mạnh.

Nguồn: Thời báo Tài chính

Đọc thêm: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quy-hoach-dien-8-can-nguon-von-lon-de-phat-trien-nang-luong-xanh-132538-132538.html 

Hoặc: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bao-in/so-88-24-7-2023.paper 

Tin tức

mới nhất