Long Xuyên, An Giang, 10/05/2019: Hôm nay, một trong những hệ thống điện mặt trời áp mái được Bang Mecklenburg-Vorpommern, CHLB Đức tài trợ đầu tiên tại tỉnh An Giang và đã hoàn thành công tác lắp đặt, vận hành thử nghiệm thành công. Hệ thống điện mặt trời nằm trên nóc trụ sở Sở Công Thương An Giang có công suất lắp đặt là 3 kWp. Hệ thống điện mặt trời là một phần trong dự án “Hợp tác chuyển đổi năng lượng” giữa tỉnh An Giang và bang Mecklenburg-Vorpommern ở Đông Bắc của CHLB Đức.
Tỉnh An Giang và bang Mecklenburg-Vorpommern đã khởi tạo dự án “Hợp tác chuyển đổi năng lượng” từ năm 2017, nằm trong khuôn khổ của ’Chương trình Thí điểm của Chính phủ Đức và các tiểu bang’ được Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Đức (BMZ) tài trợ. Dự án được thực hiện với sự hợp tác với Chương trình Hỗ trợ Năng lượng Bộ Công Thương/GIZ – chương trình đã và đang hỗ trợ sự phát triển của ngành năng lượng Việt Nam từ năm 2009.
Để đánh dấu sự kiện quan trọng này, Lễ khánh thành hệ thống điện mặt trời áp mái đã được tổ chức cùng ngày tại Sở Công Thương tỉnh An Giang.
Buổi lễ vinh dự có sự góp mặt của ông Đoàn Minh Triết – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang và ông Rainer Brohm – Chuyên gia quốc tế GIZ, cùng đại diện các sở ban ngành, các nhà đầu tư, các chuyên gia trong ngành năng lượng và các nhà báo tại địa phương.
Hệ thống điện mặt trời trình diễn có tổng chi phí đầu tư khoảng 15.000 đô la Mỹ với toàn bộ các thiết bị được sản xuất tại Đức. Hệ thống do công ty Raach Solar thiết kế và lắp đặt – một công ty công nghệ Đức có uy tín trên thế giới về việc lắp đặt các hệ thống năng lượng mặt trời áp mái. Với sản lượng điện phát hàng năm dự kiến đạt 3.546 kWh, hệ thống sẽ cung cấp điện năng cho tòa nhà của Sở Công Thương tỉnh An Giang và được các chuyên gia năng lượng của Sở vận hành và quản lý. Hệ thống sẽ giúp An Giang tránh được lượng phát thải 2,1 tấn CO2 mỗi năm và trở thành một hoạt động điển hình của tỉnh trong chiến lược đối phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi sang lĩnh vực năng lượng sạch.
Phát biểu tại sự kiện, ông Đoàn Minh Triết cho biết: “Khai thác và nhận thức rõ tiềm năng năng lượng tái tạo của tỉnh là một trong những trọng tâm trong kế hoạch phát triển đa dạng các nguồn năng lượng mới. Qua đó, chúng tôi có thể đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao tại địa phương và góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và giảm thải khí nhà kính tại Việt Nam. Sở Công Thương tỉnh An Giang chào đón tất cả đối tác và người dân đến tham quan hệ thống điện mặt trời. Tôi hy vọng việc tham quan trực tiếp tại hiện trường sẽ giúp các công ty, các chuyên gia và nhà đầu tư địa phương hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của hệ thống điện mặt trời áp mái và sẵn sàng cho các dự án năng lượng tái tạo trong tương lai.”
Ông Rainer Brohm nhấn mạnh: “GIZ đã điều phối dự án hợp tác Việt – Đức từ năm 2017 và chúng tôi rất vui mừng khi hệ thống điện mặt trời áp mái đã được hoàn thiện và bàn giao cho Sở Công Thương tỉnh An Giang. Hệ thống có một màn hình ở lối vào chính của tòa nhà Sở Công Thương, thể hiện những thông tin về thông số vận hành thực tế và lợi ích môi trường. Chúng tôi mong rằng hệ thống này sẽ giúp nâng cao nhận thức về năng lượng mặt trời của người dân tỉnh An Giang và trở thành mô hình tiêu biểu cho rất nhiều dự án điện mặt trời khác sẽ được phát triển tại tỉnh trong tương lai.”
Ngay sau buổi Lễ khánh thành, Sở Công Thương tỉnh An Giang và GIZ đã tổ chức một khóa đào tạo về lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, cách thức vận hành và bảo trì cho các chuyên gia của Sở, chuyên gia khác trong ngành năng lượng địa phương và các nhà phát triển dự án có liên quan.
Trong số các hoạt động của dự án, đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh An Giang đã có chuyến thăm bang Mecklenburg-Vorpommern vào năm 2017 nhằm tăng cường mối liên hệ với chính quyền tiểu bang và tham khảo hệ thống cơ sở vật chất và phương thức quản lý của vùng Đông Bắc nước Đức. Tháng 9/2018, một số chuyên gia từ tỉnh An Giang và Hà Tĩnh đã được cử đến bang Mecklenburg-Vorpommern để thực tập tại các dự án về năng lượng tái tạo của các doanh nghiệp tại Đức và được đào tạo chuyên sâu. Sau đó, tháng 11/2018, GIZ và Sở Công Thương An Giang đã tổ chức nhiều hội thảo và khóa đào tạo về năng lượng tái tạo cho 172 học viên đến từ các cơ quan của tỉnh và huyện cũng như các doanh nghiệp đầu tư tư nhân, công ty cung ứng dịch vụ, các trường đại học và cao đẳng.
Mới đây, UBND tỉnh An Giang vừa phê duyệt dự án phát triển nguồn năng lượng mặt trời giai đoạn đến năm 2020, xét đến 2030, với tổng vốn dự kiến 18.318 tỷ đồng. Theo đó, tỉnh An Giang dự kiến công suất lắp đặt đạt khoảng 250MWp, với sản lượng điện mặt trời tương ứng là 361,4 triệu kWh đến năm 2020. Giai đoạn sau năm 2020, dự kiến công suất lắp đặt sẽ lớn hơn khoảng 807 MWp, với sản lượng điện mặt trời tương ứng là 1.166,7 triệu kWh.