Trong ngành chăn nuôi và chế biến thịt lợn, nếu áp dụng công nghệ phát điện từ khí sinh học, các trang trại có thể đạt được lợi nhuận tài chính đáng kể.
Với ngành giấy và bột giấy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể áp dụng sinh khối cho lò hơi để sản xuất ra hơi nước, còn các doanh nghiệp lớn có thể sử dụng hệ thống đun phát điện và nhiệt thông qua lò hơi và tua bin hơi nước.
Còn với ngành chế biến tinh bột sắn, cơ hội phát triển năng lượng sinh học bằng cách sử dụng công nghệ đun phát nhiệt điện dành cho các nhà máy lớn hoặc ở các nhà máy khí sinh học sử dụng công nghệ tiên tiến hơn.
Đây là một phần kết quả của báo cáo “Nghiên cứu ngành hợp đồng tận dụng năng lượng sinh học để phát điện và sản xuất nhiệt” được trình bày tại hội thảo tổng kết, tổ chức trực tuyến tại Hà Nội vào ngày 30/6/2021.
Nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế. Dựa trên kết quả phân tích số liệu của 23 ngành, ba ngành có tiềm năng nhất được lựa chọn là: chăn nuôi và chế biến thịt lợn, giấy và bột giấy, chế biến tinh bột sắn. Nhóm chuyên gia đã thực hiện 15 chuyến khảo sát thực tế và 35 cuộc phỏng vấn sâu tới các trang trại và nhà máy của ba ngành hợp trên cả nước.
Nghiên cứu nằm trong khuôn khổ của Dự án “Bảo vệ Khí hậu thông qua Phát triển Thị trường Năng lượng Sinh học Bền vững ở Việt Nam” (BEM) do GIZ phối hợp với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương thực hiện. Dự án do Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân CHLB Đức (BMU) tài trợ.