ESP

Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ

Hợp tác giữa Tập đoàn Cát Tường và SyntegraSolar nhằm thúc đẩy điện mặt trời tại Việt Nam

Chia sẻ
In

Vào ngày 21 tháng 12, công ty Syntegra Solar, một liên doanh của Đức và Thụy Sĩ chuyên về tư vấn và phát triển các dự án năng lượng tái tạo, tập trung chủ yếu vào các dự án điện mặt trời trên mái nhà có quy mô trung bình cho các khu thương mại và công nghiệp tại Châu Á, đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với Cát Tường, tập đoàn hàng đầu Việt Nam chuyên sản xuất và phân phối các thiết bị và sản phẩm cách nhiệt, xuất khẩu sản phẩm đến 12 quốc gia trên thế giới, trong đó hầu hết là các nước Châu Âu và Châu Mỹ.

Biên bản ghi nhớ này sẽ khởi động quá trình hợp tác giữa Cát Tường và Syntegra Solar trong một dự án liên doanh về hệ thống điện mặt trời cho các khu thương mại và công nghiệp. Theo đó, hai công ty sẽ cùng phát triển hồ sơ tìm nguồn hỗ trợ tài chính của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) cho hệ thống điện mặt trời với công suất tối đa 850 kWp trên mái nhà của tập đoàn Cát Tường tại tỉnh Long An.

Trong dự án này, Syntegra Solar sẽ cung cấp các dịch vụ kỹ thuật, mua sắm thiết bị, giám sát xây dựng và vận hành, trong khi tập đoàn Cát Tường sẽ thực hiện thi công. Ngoài ra, Syntegra Solar cũng sẽ chuyển giao kiến thức và tổ chức hoạt động tập huấn kỹ thuật cho một số khách hàng tiềm năng của tập đoàn Cát Tường. Thông qua đó, dự án sẽ góp phần phát triển một mạng lưới các kỹ sư và các nhà phát triển dự án có chuyên môn cao, những người được kỳ vọng sẽ trở thành một phần của lực lượng lao động đóng góp vào sự phát triển lĩnh vực điện mặt trời trong tương lai.

Dự án hợp tác đã được Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) hỗ trợ. GIZ cũng đã đóng vai trò là đơn vị kết nối hai công ty từ giai đoạn đầu tiên và hỗ trợ quá trình thành lập hồ sơ xin tài trợ của BMZ.

Tham dự buổi lễ ký kết, bà Nguyễn Tường Khanh, Cán bộ dự án cao cấp của dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng, Chương trình Hỗ trợ Năng lượng Bộ Công thương/GIZ cho biết, “Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự hợp tác giữa doanh nghiệp tư nhân phía Việt Nam và Đức trong lĩnh vực điện mặt trời, cũng như sự kết hợp giữa đối tác am hiểu tình hình địa phương với một đơn vị quốc tế giàu kinh nghiệm. Chúng tôi tin tưởng rằng sự hợp tác này sẽ giúp phát triển các dự án điện mặt trời trên mái nhà có chất lượng tại Việt Nam, cũng như tạo thêm việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo”.

Ảnh: Đại diện của GIZ, Tập Đoàn Cát Tường và SyntegraSolar tại buổi lễ ký kết tại văn phòng của GIZ tại thành phố Hồ Chí Minh.

Với tỷ lệ bức xạ cao (1,440 -1,980 kWh/m2/năm) và nhu cầu về điện ngày càng gia tăng nhanh chóng, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án điện mặt trời. Đặc tính tiềm năng kỹ thuật của năng lượng mặt trời tại Việt Nam lên đến 300 Gigawatt (GW). Năng lượng mặt trời hiện đang trở thành một chủ đề “nóng” tại Việt Nam kể từ khi Thủ tướng Chính phủ công bố Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg vào tháng 4 năm 2017, quy định giá mua điện 9.35 cent Mỹ/ kWh từ các dự án nội lực và cơ chế bù trừ điện năng đúng mức từ các dự án trên mái nhà. Bên cạnh đó là Thông tư của Bộ Công Thương số 16/2017/TT-BCT về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện mặt trời.

Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu lắp đặt 12 GW điện mặt trời vào năm 2030.

(Nguồn: Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2017)

Tin tức

mới nhất