ESP

Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ

Vì sao điện Sinh khối chậm phát triển?

Chia sẻ
In

Nguồn nguyên liệu cho năng lượng sinh khối rất khó xác định về số lượng, không dự báo được mức giá trong tương lai. Đây chính là bài toán khó về sự phát triển của điện sinh khối. Để góp phần tìm lời giải, phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới đã ghi lại một số ý kiến của các chuyên gia năng lượng tái tạo về vấn đề này.

Bà Vũ Chi Mai, Trưởng phòng Phần Dự án/Chương trình Hỗ trợ Năng lượng Bộ Công Thương/Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ: Năng lượng sinh khối còn quá khiêm tốn.

vi sao dien sinh khoi cham phat trien
 
Bà Vũ Chi Mai

Theo Trung tâm Điều định hệ thống Điện quốc gia, năm 2019 chỉ có 175 MW điện sinh khối của 3 nhà máy mía đường phát điện lên lưới. Trong khi đó, Quy hoạch điện VII điều chỉnh và Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã đặt ra mục tiêu phát triển điện sinh khối các giai đoạn đến năm 2020, 2025 và 2030, tương ứng là 660 MW, 1.200 MW và 3.000 MW.

Nguyên nhân của việc chậm phát triển điện sinh khối là do các nguồn năng lượng sinh học vẫn còn phân tán, không ổn định và thiếu tính bền vững, đặc biệt là nguồn phế phẩm bị phụ thuộc và thay đổi theo mùa, vì vậy việc kiểm soát số lượng nguyên liệu vào, giá cả của các loại nguyên liệu chưa được kiểm soát. Bên cạnh đó, việc xin cấp phép đối với việc ra đời một nhà máy điện sinh khối mới gặp nhiều khó khăn vì liên quan đến nhiều bộ, ngành.

Điện sinh khối cũng như các nguồn năng lượng tái tạo khác có ý nghĩa rất to lớn với xã hội, con người. Điện sinh khối ngoài việc góp phần bảo vệ môi trường còn mang lại nguồn thu nhập cho nông dân, hỗ trợ khả năng cạnh tranh cho các nhà máy đường, do vậy cần được hỗ trợ phát triển mạnh hơn nữa.

Bà Lê Thị Thoa – Cán bộ cao cấp Dự án Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam/Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ: Dự báo giá nguyên liệu điện sinh khối là thách thức lớn.

vi sao dien sinh khoi cham phat trien
 
Bà Lê Thị Thoa

Trong hơn 6 năm qua không có thêm nhà máy điện sinh khối mới nào được mở ra, trong khi tổng công suất điện sinh khối của cả nước còn giảm đi. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do nguyên liệu sản xuất điện sinh khối phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp, là những phế phẩm của nông nghiệp, có tính thời vụ trong khi năng lượng gió, mặt trời là nguyên liệu từ thiên nhiên, không phải mua. Vẫn đề quan trọng là làm sao dự báo được giá mua nguyên liệu của điện sinh khối. Đây vẫn đang là bài toán khó đối với các nhà đầu tư.

Hiện nay bã mía vẫn là nguồn nguyên liệu chính của điện sinh khối, nhưng do ngành mía đường trong những năm gần đây gặp khó khăn, công suất giảm mạnh khiến lượng bã mía cũng giảm theo. Một khía cạnh khác, giá nguyên liệu sản xuất điện sinh khối cũng biến động mạnh. Năm 2015, tại đồng bằng sông Cửu Long, vỏ trấu, vỏ lúa, rơm rạ sau khi thu hoạch bỏ đi ra kênh rạch gây ô nhiễm thì nay đã được người dân thu gom và bán cho các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi với giá cao. Do vậy, các nhà máy điện sinh khối cũng bị cạnh tranh gay gắt.

vi sao dien sinh khoi cham phat trien

 

Khó khăn về nguồn nguyên liệu khiến các nhà đầu tư gặp trở ngại trong việc ký hợp đồng bảo tiêu nguyên liệu để hoàn thiện hồ sơ vay vốn tại các ngân hàng. Một khi nguyên liệu không ổn định, không có điện để bán cho EVN, thì không thể thuyết phục được ngân hàng đồng ý cấp vốn.

Bên cạnh những khó khăn này, điện sinh khối đang có những thuận lợi, chẳng hạn như biểu giá FiT (Feed-in Tariff, còn gọi là biểu giá điện hỗ trợ nhằm khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, là các mức giá áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo để bán lên lưới hoặc sử dụng tự tiêu thụ) không giới hạn thời gian. Bên cạnh đó, 100% nhà máy điện sinh khối không bị cắt giảm công suất. Giá FiT của điện.

Ông Nguyễn Anh Dũng – cán bộ Dự án/Chương trình Hỗ trợ Năng lượng Bộ Công Thương/Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ: Cơ chế giá FiT tương đối hợp lý.

vi sao dien sinh khoi cham phat trien
 
Ông Nguyễn Anh Dũng

Có thể nói, việc sử dụng cơ chế giá FiT là sự thay đổi tựng đối tích cực về năng lượng tái tạo. Trước đây, người ta sử dụng chi phí tránh được. Bản chất của chi phí tránh được là ấn mang lại lợi ích cho tôi và tôi trả tiền tương xứng với lợi ích mà ấn mang lại. Tuy nhiên, cơ chế giá FiT tiếp cận từ một khía cạnh khác, nghĩa là những lợi ích mà năng lượng tái tạo mang lại không được quy ra tiền nên phải sử dụng một cơ chế giá để mua điện từ năng lượng tái tạo và cơ chế giá đó bao gồm cả những lợi ích mà không thể đo đạc được.

Giá FiT hiện tại của Việt Nam tương đối hợp lý để thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư tham gia vào phát triển các dự án điện sinh khối. Thông thường, giá FiT sẽ được đánh giá lại sau 2 năm để biết được thị trường phát triển như thế nào.

Tư duy sử dụng giá FiT bằng USD là một tư duy tiện bộ trong bối cảnh Việt Nam hiện nay nhằm giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo. Theo đánh giá chung, hiện cơ chế chính sách phát triển điện sinh khối của Việt Nam vẫn còn nhiều điểm hạn chế, nhưng về cơ bản là đang đi đúng hướng. Việc sử dụng giá FiT trong thời gian dài, khi thị trường ổn định dần dần chuyển sang những thiết chế khác, chẳng hạn như hiện nay Chính phủ đã bàn về vấn đề đấu thầu, đánh thuế carbon trong Nghị quyết 55 và trong Luật Năng lượng tái tạo (đang xúc tiến xây dựng sớm). Với những bước đi đó, hy vọng sẽ tạo điều kiện cho lĩnh vực năng lượng tái tạo nói chung, năng lượng sinh khối nói riêng, phát triển.

Nguồn: PetroTimes

Tin tức

mới nhất