ESP

Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ

Thông cáo báo chí: GIZ, Decathlon hợp tác giải quyết các vấn đề môi trường trong chuỗi cung ứng dệt may ở Việt Nam

Chia sẻ
In

Hà Nội, 28/2/2022 – Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ và công ty Decathlon cam kết sẽ hợp tác để cải thiện hiệu suất môi trường tại chuỗi cung ứng đặt may tại Việt Nam.

Theo biên bản ghi nhận mới được ký kết, hai dự án của GIZ: Dự án ‘Bảo vệ Khí hậu thông qua Phát triển Thị trường Năng lượng Sinh học Bền vững ở Việt Nam’ (BEM) và Dự án ‘Thúc đẩy phát triển bền vững trong ngành dệt may tại Châu Á’ (FABRIC) sẽ hợp tác với Decathlon để nâng cao năng lực về thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả nước, năng lượng và quản lý hóa chất tại các nhà máy trong chuỗi cung ứng ngành thời trang tại Việt Nam trong năm 2022.

Do phát thải khí CO­2 trong quá trình sản xuất, ngành thời trang toàn cầu là một trong những nguyên nhân tác động đến biến đổi khí hậu, nhưng đồng thời cũng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Những tác động hiện hữu và rủi ro này bao gồm việc gián đoạn trong chuỗi cung ứng, có thể là trong việc sản xuất và vận chuyển, trong khi giá năng lượng và giá nước cao, và nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, các cam kết toàn cầu và yêu cầu pháp luật của châu Âu, trong đó có Luật thẩm định doanh nghiệp độc có hiệu lực vào năm 2023, đang gia tăng áp lực lên các nhãn hàng và công ty đa quốc gia do yêu cầu phải nhận diện, ngăn chặn, giảm nhẹ và chịu trách nhiệm các rủi ro môi trường và xã hội trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Đây là lý do tại sao nhiều thương hiệu thời trang và nhà sản xuất đặt may nổi tiếng đã đặt ra các mục tiêu liên quan đến khí hậu và môi trường.

Nhằm giải quyết những thách thức trên tại Việt Nam, dự án FABRIC và BEM của tổ chức GIZ cùng công ty Decathlon sẽ thực hiện các hoạt động đào tạo và tư vấn để nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các nhà máy trong chuỗi cung ứng thời trang. Cụ thể, dự án FABRIC sẽ tổ chức các khóa học ‘Hành động vì Khí hậu’ và ‘e-REMC – Quản lý Hóa chất’ trên nền tảng e-learning www.atingi.org, kết hợp đào tạo và tư vấn, nhằm thúc đẩy việc cải thiện năng lực tại các nhà máy.

Khóa ‘Hành động vì Khí hậu’ cung cấp kiến thức cơ bản và chuyên sâu cho ngành thời trang về biến đổi khí hậu, các giải pháp tính toán và giảm thiểu khí nhà kính; các biện pháp hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo. Nội dung khóa học được phát triển dựa trên sự hợp tác với UNFCC và 13 nhãn hàng, trong đó có Decathlon. Trong khi đó, khóa ‘e-REMC – Quản lý Hóa chất’ thúc đẩy các nhà máy hoàn thiện và thực hiện hệ thống quản lý hóa chất bền vững. Các chương trình đào tạo và tư vấn trực tuyến này phản ánh thực tế của nhà máy, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân viên nhà máy, đặc biệt là trong thời gian COVID-19 và mang lại hiệu quả về chi phí triển khai.

Trong khi đó, Dự án BEM sẽ hỗ trợ Decathlon chuyển đổi việc sử dụng than đá bằng việc sử dụng các nguồn sinh khí bền vững cho các nhà máy tại Việt Nam. Dự án BEM sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho Decathlon để áp dụng các phương pháp hiệu quả năng lượng tiên tiến tại lò hơi của các nhà máy trong chuỗi cung ứng, tìm ra các giải pháp về nguồn cung ứng sinh khí, tiếp cận thị trường sinh khí cho từng nhà máy cụ thể và xác định các nguồn sinh khí gần địa điểm mà các cơ sở nhà máy đang hoạt động.

Ông Marc Beckman – Giám đốc dự án FABRIC của tổ chức GIZ – nhấn mạnh: ‘Đối phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi sự hợp tác với các nhãn hàng quốc tế để cải thiện năng lực của các nhà máy trong chuỗi cung ứng – nơi tác động đến môi trường và gây phát thải nhiều nhất. Sự hợp tác này là rất quan trọng và cấp thiết.’

Ông nói thêm: ‘Những tiếp cận sáng tạo này sẽ nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho nhà máy, giúp họ tăng năng lực cạnh tranh toàn thể trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các thành công từ việc hợp tác sẽ mang lại lợi ích cho khu vực và toàn cầu. Dự án FABRIC sẽ chia sẻ các thành công với các nhà lập pháp chính sách để nhân rộng bài học ra các nước khác, trong khi đó, người học sẽ tiếp cận nền tảng đào tạo trực tuyến miễn phí.’

Ông Nathan Moore – Giám đốc Dự án BEM của tổ chức GIZ – cho biết: ‘Mục tiêu dài hạn của dự án của chúng tôi là cải thiện các điều kiện tiên quyết để sử dụng nguồn sinh khí bền vững cho sản xuất điện và nhiệt ở Việt Nam. Từ năm 2019, dự án BEM đã cùng với Decathlon Việt Nam tổ chức chuỗi hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng xanh này. Do đó, sáng kiến này của BEM, FABRIC và Decathlon sẽ đóng vai trò là bước đàm cho sự phát triển của một cộng đồng các doanh nghiệp quan tâm và cam kết sử dụng tài nguyên sinh khí trong nước, đóng góp vào các mục tiêu bền vững và hành động vì khí hậu của Việt Nam.’

Về phía Decathlon, doanh nghiệp này sẽ cung cấp cho nhà máy của các nhãn hàng các khóa đào tạo về tăng cường sử dụng năng lượng sinh học và nguồn năng lượng tái tạo khác, đồng thời hỗ trợ các nghiên cứu về chuỗi cung ứng sinh khối. Với hơn 100 nhà máy của các nhà cung cấp trong các mảng đặt may, da giày và phụ kiện tại Việt Nam, Decathlon sẽ chia sẻ các bài học thành công từ việc hợp tác với GIZ với các nhãn hàng trong nước và quốc tế tại các diễn đàn liên quan, đặc biệt là cách thức mà công ty thúc đẩy việc phát triển bền vững trong chuỗi cung ứng.

Ông Jérémie Piolet – Giám đốc Phát triển bền vững của Decathlon Việt Nam – cho biết: ‘Decathlon là một trong số hơn 120 thương hiệu thời trang và nhà bán lẻ đã cam kết tuân thủ các nguyên tắc và mục tiêu trong Điều lệ Liên Hợp Quốc về các tác động biến đổi khí hậu trong ngành Công nghiệp Thời trang, trong đó, tầm nhìn toàn cầu của ngành là giảm 45% lượng khí phát thải nhà kính vào năm 2030 và phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Bằng việc hợp tác với dự án BEM và FABRIC của GIZ, chúng tôi hy vọng đến năm 2025, Decathlon có thể sử dụng 100% nguyên liệu sinh khối để cung cấp điện và nhiệt cho việc sản xuất và trở thành công ty tiên phong sử dụng sinh khối bền vững trong ngành công nghiệp đặt may.’

Việc hợp tác này nằm trong khuôn khổ Chương trình Cải thiện Hiệu suất Môi trường của các nhà máy (PIE) tại châu Á của tổ chức GIZ. Trong khuôn khổ dự án FABRIC, GIZ sẽ đẩy mạnh các hợp tác tương tự tại các quốc gia đang phát triển mạnh ngành dệt may, như Bangladesh và Pakistan.

Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu trong sản xuất dệt may nhưng sự phát triển này sẽ trở thành gánh nặng cho môi trường trong tương lai, nếu quy trình sản xuất của ngành sản xuất dệt may vẫn phụ thuộc nhiều vào than và dầu mỏ. Tuy nhiên, Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu tìm kiếm nguồn năng lượng tái tạo thay thế nhiên liệu hóa thạch vì có tiềm năng lớn về năng lượng sinh khối. Là một quốc gia nông nghiệp, Việt Nam có sẵn các nguồn tài nguyên sinh khối bao gồm các phế phẩm và chất thải sau thu hoạch và chế biến nông lâm sản.

—————————————————————

Các thông tin bổ sung:

1. Dự án FABRIC

Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ – Deutsche Gesellschaft für Internationale Zusammenarbeit (GIZ) GmbH – cung cấp dịch vụ toàn cầu trong lĩnh vực hợp tác quốc tế cũng như giáo dục quốc tế. Là một doanh nghiệp liên bang hoạt động vì cộng đồng, GIZ hỗ trợ Chính phủ Đức, đặc biệt là Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), nhằm đạt được các mục tiêu hợp tác quốc tế vì sự phát triển bền vững.

Dự án ‘Thúc đẩy phát triển bền vững trong ngành dệt may tại Châu Á’ (FABRIC) là một dự án vùng của GIZ, tập trung vào tính bền vững trong ngành dệt may trong các khía cạnh xã hội, kinh tế và môi trường. Dự án được thực hiện tại Bangladesh, Campuchia, Myanmar, Pakistan, Việt Nam và có thêm một số hoạt động tại Trung Quốc. Dự án nhằm hỗ trợ các đối tượng doanh nghiệp, cơ quan chính phủ, tổ chức dân sự và công đoàn xây dựng ngành công nghiệp dệt may có thể cung cấp việc làm chất lượng, bảo vệ môi trường và đóng góp vào việc tăng trưởng kinh tế.

2. Dự án BEM

Dự án ‘Bảo vệ Khí hậu thông qua Phát triển Thị trường Năng lượng Sinh học Bền vững ở Việt Nam’ (BEM) là một dự án hợp tác song phương giữa Chính phủ Đức và Việt Nam. Mục tiêu của Dự án BEM là cải thiện các điều kiện tiên quyết để sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên sinh học để sản xuất điện và nhiệt trong cả nước. Trung tâm dự án là nâng cao năng lực lập quy hoạch, năng lực kỹ thuật chuyên môn và tài chính cho các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực năng lượng sinh học nhằm thực hiện các dự án đầu tư đạt hiệu quả.

Đối tác chiến lược của dự án BEM là Bộ Công Thương. Cơ quan thực hiện là Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (EREA). BEM được Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân CHLB Đức (BMU) tài trợ.

3. Decathlon Việt Nam

Decathlon là một mạng lưới các nhà cung cấp và nhãn hàng bán lẻ, được thành lập từ Lille, Pháp, vào năm 1976, với khẩu hiệu ‘mang thể thao đến cho tất cả mọi người’.

Hiện tại, Decathlon có mặt tại hơn 57 quốc gia trên sáu châu lục trên toàn cầu. Từ năm 2017, Decathlon vinh dự mang thể thao tới người dân Việt Nam với hơn 70 mặt hàng thể thao thông qua kênh trực tuyến www.decathlon.vn và các cửa hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Chúng tôi nỗ lực hàng ngày để mọi người được tận hưởng niềm vui từ thể thao.

Tin tức

mới nhất