Ngày 27/6, buổi tham vấn “Xây dựng cơ chế tái cấp vốn cho các dự án năng lượng sinh học tại Việt Nam” đã diễn ra dưới hình thức trực tuyến.
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Thúy – Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo/Bộ Công Thương – cho biết: ‘Buổi tham vấn nhằm xây dựng đề xuất cơ chế tái cấp vốn, phương án tài chính và tiêu chí khả năng cho vay của các dự án nhà máy điện sinh khối tại Việt Nam dựa trên các tiêu chí cấp vốn cho dự án năng lượng tái tạo, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.’
Tại buổi tham vấn, sau phần đề cập đến tiềm năng năng lượng sinh học Việt Nam, tiềm năng năng lượng sinh khối của tỉnh Hậu Giang, chia sẻ kinh nghiệm về tái cấp vốn cho các dự án năng lượng sinh học của một tổ chức tài chính Việt Nam, nhóm tư vấn trong nước và quốc tế của dự án đã chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về cơ chế tái cấp vốn và nguồn tài chính cho các dự án năng lượng sinh học. Nội dung tham vấn tập trung vào trình bày kết quả nghiên cứu về hiện trạng và đề xuất cơ chế tái cấp vốn cho các dự án năng lượng sinh học tại Việt Nam. Nhóm tư vấn cũng đưa ra khuyến nghị đối với các tổ chức tài chính trong nước trong việc tìm kiếm các nguồn vốn nước ngoài để tái cấp vốn cho các dự án năng lượng sinh học.
Cơ thể trong buổi họp, ông Phạm Văn Phương – Trưởng phòng Quản lý năng lượng, Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang – đã tóm lược về tiềm năng dự án năng lượng sinh khối của địa phương và khó khăn trong tiếp cận nguồn tài chính. Bà Nguyễn Thúy Hà – Phó Trưởng ban Vốn nước ngoài, Ngân hàng Phát triển Việt Nam – đã chia sẻ kinh nghiệm hoạt động tái cấp vốn cho các dự án năng lượng sinh học, như chính sách ưu đãi, đối tượng, nguồn tái cấp vốn và yêu cầu đối với chủ đầu tư.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nathan Moore – Giám đốc Dự án Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam (BEM) của GIZ, cho biết: ‘Chúng tôi hy vọng buổi tham vấn và các ý tưởng về cơ hội tái cấp vốn cho các dự án năng lượng sinh học tại Việt Nam sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế. Nhờ đó, nguồn lực sẽ được phân bổ hiệu quả để thực hiện bền vững các dự án năng lượng sinh học tại Việt Nam, phù hợp với các cam kết mạnh mẽ về khí hậu và năng lượng của quốc gia.’
Buổi tham vấn có sự tham gia của hơn 50 đại biểu đến từ các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, đại diện các ngân hàng/tổ chức tài chính trong và ngoài nước, đại diện các chủ đầu tư dự án, đến từ hỗ trợ kỹ thuật và mạng lưới chuyên gia năng lượng từ các tổ chức quốc tế, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Sau buổi tham vấn, dự án BEM sẽ tiếp tục làm việc với nhóm tư vấn để hoàn thiện danh mục hồ sơ thẩm định dự án năng lượng sinh học tại Việt Nam. Danh mục này sẽ được gửi các tổ chức tài chính trong nước tham khảo trong quá trình thẩm định các dự án năng lượng sinh học.
Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Dự án BEM do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phối hợp thực hiện. Dự án BEM được Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu CHLB Đức (BMWK) tài trợ, thông qua Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI).