Với hệ thống đồng phát điện từ bã mía, các nhà máy mía đường ở Việt Nam tự chủ được điện phục vụ vận hành sản xuất, phần điện dư được bán lên lưới điện quốc gia. Nếu có cơ chế khuyến khích phát hợp lý, điện sinh khối sản xuất từ bã mía có thể bổ sung thêm nguồn cho lưới điện quốc gia, góp phần vào hành trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam.
Theo quy hoạch điện VIII, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng nguồn cung cấp năng lượng sơ cấp của Việt Nam sẽ đạt 15-20% vào năm 2030 và 25-30% vào năm 2045, trong đó khai thác tối đa nguồn đồng phát sinh khối. Với mục tiêu này, mía đường sẽ là một trong những ngành có tiềm năng góp phần gia tăng tỷ trọng của năng lượng sinh khối tại Việt Nam.
Tiềm năng điện sinh khối trong ngành mía đường
Hiện nay, 65% nhà máy đường sử dụng lò hơi áp lực thấp, đơn nhiên liệu, hoạt động khoảng 5 tháng mỗi năm vào vụ ép mía nhưng vẫn chiếm hơn 90% sản lượng điện sinh khối.
Ông Nguyễn Văn Lộc – Chủ tich Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, nếu kết hợp tiềm năng kỹ thuật của nhà máy đường với tiềm năng sinh khối từ phế phẩm nông lâm nghiệp, chuyển đổi từ điện đồng phát bã mía sang điện sinh khối ngoài vụ ép, thời gian hoạt động của các hệ thống điện sẵn có có thể kéo dài hơn.
“Theo tiềm năng tính toán, 24 công ty mía đường đang hoạt động có công suất lắp đặt khoảng 651MW và bổ sung phát điện lên lưới quốc gia 479MW”, ông Lộc cho biết thêm.
Xu hướng phát triển xanh
Các nhà máy điện trong ngành mía đường hiện đều do các công ty mía đường vận hành, sử dụng công nghệ đồng phát để sản xuất nhiệt và điện. Nguyên liệu chính là bã mía trong vụ ép. Kết thúc vụ sản xuất, nhà máy điện ngừng hoạt động do không còn bã mía.
Đó là sự lãng phí về đầu tư vì hệ thống phát điện này có thể tiếp tục hoạt động bằng cách sử dụng các loại sinh khối khác như trấu, dăm gỗ, mùn cưa và các phế phụ phẩm ngành nông lâm nghiệp và trở thành một nhà máy điện sinh khối độc lập.
Ông Đỗ Hồng Thịnh – Trưởng phòng Kế hoạch, Công ty CP Mía đường Lam Sơn (LASUCO) cho biết. trong vụ ép, 100% điện dùng để vận hành LASUCO đều được tự sản xuất từ bã mía. Với tỷ lệ phát 73kWh/tấn mía, tiêu thụ nội bộ LASUCO chỉ chiếm 60%, 40% còn lại được bán lên lưới quốc gia.
“Ngoài việc chủ động được nguồn điện phục vụ sản xuất, năng lượng sinh khối còn giúp LASUCO tiết kiệm hàng chục tỷ đồng chi phí điện năng mỗi năm, tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể từ điện năng dư thừa bán lên lưới”, ông Thịnh cho biết thêm
Một thử nghiệm thực tế sử dụng nguồn sinh khối khác làm nhiên liệu đốt ngoài vụ ép mía đã được triển khai tại ba nhà máy đường. Chương trình nằm trong khuôn khổ Dự án Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam (BEM) – do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) phối hợp thực hiện.
Dự án BEM được Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Công hòa liên bang Đức tài trợ, thông qua chương trình “Sáng kiến khí hậu quốc tế”. Kết quả cho thấy tiềm năng của các loại sinh khối dùng cho phát điện đủ cung ứng cho các nhà máy đồng phát nhiệt điện bã mía tiếp tục hoạt động ngoài vụ ít nhất 150 ngày/năm.
Cần những giải pháp đồng bộ
Việc phát điện của các nhà máy đường ngoài vụ ép mía là “năng lượng sinh khối” nhưng lại bị cho là “đồng phát nhiệt điện” nên giá bán chỉ đạt 7,03UScents/ kWh, thấp hơn so với 8,47UScents/ kWh của các loại “phát điện sinh khối không phải là đồng phát nhiệt điện”. Vì thế, nếu đầu tư phát triển điện sinh khối hay phát điện ngoài vụ ép mía, doanh nghiệp có thể thua lỗ.
Sự điều chỉnh giá điện hợp lý sẽ là đòn bẩy khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và gia tăng nguồn năng lượng tái tạo trong tương lai. Để đảm bảo nguyên liệu sinh khối ổn định cho nhà máy điện hoạt động ngoài vụ ép mía, cần có sự hợp tác từ địa phương để có chuỗi cung ứng nguyên liệu đủ và bền vững.
Ông Lộc cũng cho biết, Hiệp hội Mía đường đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ rà soát và bãi bỏ quy định phân loại các dự án DSK thành hai loại: sinh khối đồng phát nhiệt – điện và dự án sinh khối khác, nhằm giải quyết tình trạng lãng phí, đồng thời khai thác hết tiềm năng phát triển điện sinh khối của ngành đường.
Còn theo bà Đỗ Minh Tâm – Cố vấn Năng lượng (Dự án BEM) để tiếp tục phát triển mô hình nhà máy điện trong ngành mía đường, cần có cơ chế hỗ trợ cải thiện hiệu quả của mô hình chuyển đổi tại nhà máy, điều chỉnh giá mua điện ưu đãi.
Các chủ đầu tư cũng cần cân nhắc bổ sung đầu tư một số thiết bị phụ trợ nhằm lưu trữ và loại bỏ tạp chất trong các loại sinh khối từ phế phụ phẩm nông lâm nghiệp để gia tăng hiệu quả hoạt động.
Bài viết trên báo Doanhnhansaigon: Phát triển điện sinh khối trong ngành mía đường – nhiều hơn một giá trị “xanh”