ESP

Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ

Năng Lượng Sinh Học, Tại Sao? || Năng Lượng Sinh Học Cung Cấp Năng Lượng Xanh, Tạo Ra Cơ Hội Việc Làm Và Cải Thiện Cơ Sở Hạ Tầng Như Thế Nào?

Chia sẻ
In

Một trong những lợi ích lớn nhất của năng lượng sinh học chính là tạo ra nhiều cơ hội việc làm, đặc biệt tại vùng nông thôn. Các nhà máy điện được sản xuất từ các nguyên liệu sinh học thường đặt tại vùng nông thôn, gần nguồn cung cấp nhiên liệu như doanh nghiệp chế biến gỗ, cánh đồng mía hay trang trại. Điều này có nghĩa là cơ sở hạ tầng và tỷ lệ người lao động có việc làm tại địa phương sẽ tăng lên đáng kể trong giai đoạn xây dựng và vận hành các nhà máy năng lượng sinh học. Bên cạnh đó, việc các nhà máy điện sử dụng năng lượng sinh học phân bổ ở các vùng nông thôn, gần với các khách hàng tiêu thụ điện lớn, giúp giảm đáng kể chi phí vận chuyển nhiên liệu từ nơi cung cấp tới nơi tiêu thụ.

Các báo cáo về việc làm trong ngành năng lượng sinh khối tại Mỹ cho thấy, có 591 lao động được tuyển dụng trong ngành điện sinh khối năm 2018, góp phần vào tổng số 12.976 người lao động có việc làm tính đến năm 2019. Đối với ngành khí sinh học, Hội Đồng Khí sinh học Mỹ (ABC) cho biết hơn 2.200 hệ thống khí sinh học được vận hành trên toàn quốc vào năm 2019. Ngoài ra, theo ABC, hơn 14.000 trang trại bò sữa/trang trại lớn, nhà máy xử lý nước thải và các dự án xử lý khí rác có thể được chuyển đổi thành các cơ sở sản xuất khí sinh học một cách hiệu quả. Các hệ thống này có thể đã hỗ trợ tạo ra việc làm cho khoảng 335.000 công nhân xây dựng thời vụ và 23.000 lao động vận hành toàn thời gian.

Một nghiên cứu do Viện Tăng trưởng Xanh Toàn cầu (GGGI) và GIZ tiến hành năm 2018 đã định rõ rằng khi có biểu giá điện (FIT) phù hợp, việc phát triển các dự án năng lượng sinh khối tại Việt Nam sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm mới. Đồng thời, biểu giá FIT sẽ giúp tăng hiệu quả sản xuất công nghiệp, đặc biệt là trong ngành mía đường hiện đang đối mặt với tình trạng công nghệ lỗi thời và kém hiệu quả khiến Việt Nam ngày càng giảm khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Năng lượng sinh học cũng sẽ mang lại lợi ích cho các ngành sản xuất khác thông qua việc giảm chi phí xử lý, chế biến như tại các nhà máy bia, xay xát gạo, chế biến tinh bột và chế biến thực phẩm.

Với giả thiết ban đầu là mở rộng quy mô điện sinh khối lên 500 MW với mức đầu tư là 600-700 triệu USD (dựa trên cơ sở các ước tính của “Nghiên cứu tính toán chi phí tránh được áp dụng cho các dự án điện sinh khối nơi lưu lượng tại Việt Nam” do GIZ phối hợp Cục Điện và Năng lượng tái tạo/Bộ Công Thương thực hiện năm 2015), 1.200 việc làm cho lao động lành nghề có thể được tạo ra để vận hành nhà máy điện và 3.000 việc làm cho lao động lành nghề trong lĩnh vực vận chuyển và chuỗi cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy này.

Tin tức

mới nhất