Từ ngày 23-25/09/2024, 10 nhà báo đến từ nhiều cơ quan báo chí tại Việt Nam, bao gồm báo in, phát thanh️, truyền hình, báo điện tử đã có mặt tại Bình Thuận và Ninh Thuận để tham gia khóa tập huấn “Báo chí và Chuyển dịch năng lượng” (CDNL) năm 2024.
Trong 03 ngày làm việc, các nhà báo có cơ hội tiếp cận kiến thức mới về Năng lượng tái tạo và Chuyển dịch năng lượng; cách làm báo chính xác, khách quan và hiệu quả trong thời đại số; đồng thời nhận thức rõ hơn về vai trò quan trọng của báo chí trong việc thúc đẩy chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam.
Nhà báo Thu Hà trao đổi với các phóng viên về truyền thông số và các vấn đề khi đưa tin về khí hậu/môi trường. Nguồn ảnh: GIZ ESP
Chuyên gia chuyển dịch năng lượng Nguyễn Anh Dũng, Quỹ Châu Á chia sẻ về hiện trạng CDNL tại Việt Nam và trên thế giới. Nguồn ảnh: GIZ ESP
Ngoài những trao đổi về chuyên môn, các nhà báo có cơ hội gặp gỡ đại diện doanh nghiệp năng lượng tái tạo tại Bình Thuận và trao đổi về tiềm năng cũng như thách thức mà các doanh nghiệp đang gặp phải; đồng thời nhấn mạnh đến cơ hội nội địa hóa, khi các doanh nghiệp trong nước dần tham gia vào chuỗi cung ứng linh phụ kiện và dịch vụ cho các nhà máy năng lượng tái tạo.
Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Điện mặt trời Bình Thuận, ông Bùi Văn Thịnh nhấn mạnh vai trò doanh nghiệp NLTT tại Việt Nam. Nguồn ảnh: GIZ ESP
Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Điện mặt trời Bình Thuận, ông Bùi Văn Thịnh, và TS. Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam cùng cho rằng việc phát triển chuỗi cung ứng nội địa sẽ không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường năng lượng tái tạo quốc tế.
Các nhà báo gặp mặt đại diện Nhà máy Điện măt trời Phong Phú. Nguồn ảnh: GIZ ESP
Bên cạnh đó, đoàn nhà báo đến thăm Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận để tìm hiểu về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Tại đây, đoàn nhà báo đã được giới thiệu về các khóa đào tạo “nghề xanh” nhằm trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết để làm việc trong các dự án năng lượng tái tạo.
Trường đã và đang phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để đảm bảo chương trình giảng dạy không chỉ phù hợp với nhu cầu hiện tại mà còn đáp ứng được các yêu cầu trong tương lai, khi ngành năng lượng tái tạo tiếp tục mở rộng quy mô với những công nghệ mới.
“Khóa tập huấn “Báo chí và CDNL” đã mở ra cho tôi một góc nhìn sâu sắc hơn về năng lượng tái tạo và chuyển dịch năng lượng công bằng. Được tiếp cận các nguồn thông tin chuẩn xác và những câu chuyện thực tế từ các chuyên gia, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội… giúp tôi tự tin hơn khi viết về chủ đề này trong tương lai.” – Phóng viên Trọng Trung, Báo Nhân Dân điện tử chia sẻ.
Khóa tập huấn đã mở ra nhiều cơ hội kết nối, hợp tác và hứa hẹn sẽ mang đến những bài viết chất lượng hơn về chuyển dịch năng lượng công bằng. Những bài viết chính xác, khách quan và sâu sắc từ các nhà báo sẽ không chỉ góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng mà còn thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng tại Việt Nam.
Sự kiện được tổ chức bởi Dự án vùng Năng lượng sạch, Chi phí hợp lý và An ninh năng lượng cho các quốc gia Đông Nam Á (CASE) và Chuyển dịch năng lượng công bằng cho các vùng than (IKI JET CR) do Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Cộng hòa Liên bang Đức (BMWK) tài trợ, thông qua Sáng kiến Khí hậu quốc tế (IKI), đồng tài trợ bởi Ủy ban Châu Âu (EC).
Theo dõi chúng tôi tại Facebook/LinkedIn và Trang chủ – GIZ ESP để cập nhật những thông tin mới nhất!