Hội thảo “Thiết kế thị trường cho các nguồn điện năng lượng tái tạo khu vực Đông Nam Á” do Dự án “Năng lượng sạch, Chi phí hợp lý và An ninh năng lượng cho các quốc gia Đông Nam Á” (CASE) và Chương trình Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Đông Nam Á (ETP) đồng tổ chức mang đến thông điệp chính: Các quốc gia Đông Nam Á cần tăng tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt điện gió và điện mặt trời để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2050.
Hội thảo diễn ra trong hai ngày ngày 24-25 tháng 4 năm 2024, tại Bangkok, Thái Lan, quy tụ hơn 60 lãnh đạo và đại biểu từ các bộ, ngành, cơ quan quản lý, công ty dịch vụ công và doanh nghiệp năng lượng tái tạo từ Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam cùng các chuyên gia quốc tế.
Hội thảo hướng tới mục tiêu khai phá tiềm năng về năng lượng sạch tại Đông Nam Á và tăng cường đối thoại giữa các quốc gia trong khu vực. Các bên đã trao đổi kiến thức, hiểu biết về những xu hướng, thách thức và cơ hội trong chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, Indonesia, Philippines và Thái Lan.
“Khu vực Đông Nam Á có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, tuy nhiên tỷ trọng của điện mặt trời và điện gió trong tổng cơ cấu sản lượng điện còn tương đối thấp. Hội thảo lần này tập trung vào việc tinh chỉnh các mô hình thị trường điện hiện nay để tăng cường thu hút đầu tư và đảm bảo sự tương thích của nguồn điện từ năng lượng tái tạo khi tích hợp vào lưới điện chung.”
Sascha Oppowa, Giám đốc Dự án CASE
Các phiên thảo luận đi sâu hơn vào việc xác định các chính sách nhằm thúc đẩy và tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo, chi phí hiệu quả trong tích hợp hệ thống và đảm bảo nguồn lực trước thực trạng nguồn cung gián đoạn. Các thành viên tham dự đã cùng khám phá những lợi ích và cơ hội mà Lưới điện ASEAN (APG) mang lại cho các hệ thống điện được kết nối trên toàn khu vực.
Sự hợp tác này đã mở đường cho Đông Nam Á hướng tới một tương lai năng lượng sạch. Thông qua việc cải cách thị trường và chia sẻ kiến thức giữa các thành viên trong khu vực, Đông Nam Á có thể khai thác tiềm năng to lớn của năng lượng tái tạo, hướng tới một tương lai năng lượng bền vững và an toàn.
“Việc triển khai năng lượng tái tạo tiếp tục đạt mức cao kỷ lục trên toàn thế giới. Năng lượng mặt trời và gió đã trở thành nguồn năng lượng rẻ nhất. Ở Đông Nam Á, tiến độ triển khai có phần chậm hơn, tuy nhiên khu vực này có tiềm năng rất lớn để ứng dụng rộng rãi các nguồn năng lượng tái tạo, thông qua việc loại bỏ các rào cản thị trường và đưa ra các biện pháp khuyến khích để tăng tính linh hoạt của hệ thống điện, từ đó mang lại lợi ích kinh tế-xã hội đáng kể”.
Markus Steigenberger, Giám đốc Điều hành của Agora Energiewende
“Chuyển dịch năng lượng là lĩnh vực thu hút đa dạng các đối tác phát triển, kéo theo một nguồn tài nguyên lớn được đầu tư, giúp tăng cường khả năng điều phối và hợp tác giữa các sáng kiến khác nhau nhằm tối ưu hóa các nỗ lực hướng tới chuyển dịch năng lượng.”
Philip Rose, Giám đốc ETP
Dự án Năng lượng Sạch, Chi phí hợp lý và An ninh năng lượng cho các quốc gia Đông Nam Á (CASE)
Dự án “Năng lượng Sạch, Chi phí hợp lý và An ninh năng lượng cho các quốc gia Đông Nam Á” (CASE) được thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và các tổ chức trong nước và quốc tế về lĩnh vực chuyển dịch năng lượng bền vững và biến đổi khí hậu, kể đến như Agora Energiewende và Viện NewClimate.
Dự án Năng lượng Sạch, Chi phí Hợp lý và An ninh năng lượng cho các quốc gia Đông Nam Á (CASE) do Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Cộng hòa Liên bang Đức (BMWK) tài trợ, có mục tiêu hỗ trợ các nước đối tác khu vực Đông Nam Á trong quá trình chuyển đổi sang hệ thống năng lượng sạch với giá cả phù hợp cho người dân, đồng thời thúc đẩy tham vọng chính trị nhằm thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Với cách tiếp cận toàn diện đến các tổ chức khu vực công, tư nhân và tổ chức nghiên cứu, dự án CASE đóng góp vào việc thay đổi câu chuyện của ngành năng lượng ở Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam theo hướng chuyển đổi năng lượng dựa trên bằng chứng. Tìm hiểu thêm về dự án CASE tại: caseforsea.org
Chương trình Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Đông Nam Á (ETP)
Chương trình Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Đông Nam Á (ETP) là một dự án đa phương triển khai ở cấp khu vực nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững ở Đông Nam Á theo Thỏa thuận Paris và các Mục tiêu phát triển bền vững. Chương trình được Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên Hợp Quốc (UNOPS) quản lý, huy động và điều phối các nguồn lực kỹ thuật và tài chính nhằm xây dựng nền tảng cho năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng và cơ sở hạ tầng bền vững. ETP trao quyền cho các quốc gia đối tác của mình – Indonesia, Việt Nam và Philippines để chuyển đổi sang hệ thống năng lượng bền vững, tạo ra tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng.