ESP

Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ

Chuyển đổi sang hydrogen giúp Việt Nam tiến đến Net-Zero

Chia sẻ
In
Võ Thanh Tùng, energy advisor of PtX Outreach Project of German Agency for International Cooperation (GIZ)

1.Gần đây Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với cam kết phát triển năng lượng quốc gia theo hướng xanh sạch và bền vững. Ông/bà đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển ngành công nghiệp hydrogen của Việt Nam?

Việt Nam sở hữu những tiềm năng to lớn để phát triển nghành công nghiệp hydrogen. Với nguồn NLTT dồi dào như điện mặt trời lên tới 300 GW hay điện gió ngoài khơi lên tới 600 GW, chúng ta có thể tận dụng để thúc đẩy nghành công nghiệp hydrogen xanh phát triển thông qua ứng dụng những công nghệ tiên tiến như điện phân nước. Những tiến bộ gần đây cho phép sản xuất hydrogen từ nước biển là những yếu tố vô cùng quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho phép chúng ta có thể xây dựng những tổ hợp vừa sản xuất điện gió tại khu vực ngoài khơi, đồng thời cung cấp điện cho các thiết bị điện phân để sản xuất hydrogen từ nước biển.

Hiện nay, sản lượng hydrogen hàng năm được sản xuất cho thị trường trong nước là khoảng 500.000 tấn. Tuy nhiên, sản lượng này được sản xuất chủ yếu từ nhiên liệu hóa thạch là than đá hoặc khí tự nhiên. Như vậy để phát triển nghành công nghiệp này, Việt Nam không chỉ cần sản xuất hydrogen phát thải thấp, thay thế cho nhu cầu thị trường hiện tại mà còn phải mở rộng thị trường, mở rộng nhu cầu từ các ngành công nghiệp khó phát thải như điện năng, giao thông vận tải (bao gồm hàng không, đường thủy, đường bộ), ngành công nghiệp nặng như luyện kim, lọc hóa dầu hay sản xuất hóa chất. Đây cũng chính là chìa khóa quan trọng để phát triển ngành công nghiệp này. 

Ngoài khả năng phát triển ngành công nghiệp H2 phục vụ nhu cầu của thị trường nội địa, giúp xanh hóa các ngành khó phát thải, Việt Nam còn có thể tận dụng tốt vị trí địa lý, để cung cấp hydrogen xanh cho các thị trường thế giới và trong khu vực, đáp ứng nhu cầu của các nước có nhu cầu nhập khẩu sản phẩm hydrogen.

Đây cũng là những định hướng quan trọng mà trong chiến lược năng lượng hydrogen quốc gia mới được Thủ Tướng phê duyệt cũng đã đề cập. Những định hướng chính sách quan trọng này sẽ là những tiền đề quan trọng giúp cho các cơ quan quản lý, các nhà đầu tư đưa ra những bước đi phù hợp nhằm cụ thể hóa những tiềm năng thành những dự án công nghệ cao, đầu tư có hiệu quả về mặt thương mại và kinh tế.

2.Theo ông/bà, hydrogen đóng vai trò quan trọng như thế nào giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu chuyển dịch năng lượng xanh và hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050?

Hydrogen xanh đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng, hiện thực hiện hóa cam kết trung hòa carbon vào giữa thế kỷ.

Theo ước tính của 1 số tổ chức có uy tín tỷ lệ NLTT đã liên tục gia tăng trong hệ thống điện trên toàn cầu, tuy nhiên tới hết năm 2022 tỷ lệ này mới ở mức xấp xỷ 30% và quá trình giảm phát thải qua sử dụng NLTT cũng mới thu được những kết quả hạn chế. Đơn giản vì ngành điện chỉ đóng góp khoảng 40% lượng phát thải toàn cầu trong khi 60% còn lại tới từ những ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành công nghiệp khác. Vì vậy,̀ thế giới đang coi nghành công nghiệp hydrogen xanh là 1 trong những giải pháp quan trọng nhằm giải quyết bài toán trung hòa carbon vào giữa thế kỷ.

Việt Nam cũng ở tình trạng tương tự, chúng ta sẽ không thể đạt được mục tiêu trung hòa carbon nếu không thúc đẩy ngành công nghiệp hydrogen phát triển cung cấp sản phẩm cho các ngành công nghiệp khó phát thải như giao thông vận tải, công nghiệp nặng như luyện kim, hóa chất và lọc hóa dầu

3. Đâu là những thách thức Việt Nam gặp phải trong quá trình phát triển năng lượng hydrogen?

Để phát triển ngành công nghiệp mới mẻ như hydrogen, đương nhiên sẽ có rất nhiều thách thức mà chúng ta sẽ gặp phải, ở đây tôi chỉ đưa ra một vài thách thức chính.

Phát triển thị trường: Vì là ngành công nghiệp hoàn toàn mới, nên hiện nay chưa hề có nhu cầu cho sản phẩm. Đương nhiên dẫn tới việc các nhà đầu tư sẽ cân nhắc lựa chọn việc có tham gia vào thị trường hay không. Đặc biệt khi sản phẩm mới khó có thể cạnh tranh ngay với các loại nhiên liệu hóa thạch truyền thống như dầu mỏ và than đá về giá cả. Nhiều quốc gia trên thế giới, để thúc đẩy thị trường, chính phủ cần có những cơ chế phù hợp phù hợp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia vào thị trường nhằm giúp giá thành sản xuất hydrogen xanh thu hẹp khoảng cách, tăng khả năng cạnh tranh với các loại nhiên liệu khác.

Trong bối cảnh thị trường trong nước còn có nhiều hạn chế, chưa rõ ràng, việc thúc đẩy xuất khẩu là một định hướng hợp lý, hướng tới khả năng tiếp cận tới các thị trường nhiều tiềm năng, có nhu cầu lớn. Vì vậy nhà nước cần có chính sách phù hơp để thúc đẩy, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thị trường hướng tới xuất khẩu. Chính những doanh nghiệp (DN) tiên phong xuất khẩu này cũng là động lực thúc đẩy thị trường nội địa phát triển, tạo ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước trong tương lai.

Cơ sở hạ tầng: Hiện Việt Nam cũng mới chỉ có hạ tầng cho ngành công nghiệp khí, nhưng chưa hề có cho ngành hydrogen. Để phát triển ngành công nghiệp này, rõ ràng cần phải xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, từ việc cấp điện, tới vận chuyển, lưu trữ, kho cảng. Đây là công việc đặc biệt quan trọng khi chúng ta biết chi phí vận chuyển hydrogen là rất lớn, nên việc quy hoạch một cách hiệu quả, tăng khả năng liên kết giữa vùng sản xuất và nơi tiêu thụ đóng vai trò quyết định tới sự phát triển của ngành công nghiệp. Việc tận dụng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện tại của ngành dầu khí cũng là một bài toán cần có lời giải sớm nhằm giúp giảm thiểu chi phí đầu tư, đảm bảo cho ngành công nghiệp hydro phát triển nhanh chóng.

Cơ chế chính sách: Việc ra đời chiến lược H2 đã mở ra định hướng quan trọng. Để ngành công nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả, có khả năng cạnh tranh, Việt Nam cần có những chính sách đồng bộ, hợp lý để thu hút đầu tư, phát triển thị trường, xây dựng cơ sở hạ tầng. Đây vừa là yêu cầu và cũng là một thách thức quan trọng mà ngành công nghiệp hydro cần phải giải quyết, loại bỏ những điểm nghẽn, khơi thông dòng vốn để phát triển.

4. Bộ trưởng bộ Công Thương Việt Nam đã nhấn mạnh tới vai trò của các đối tác quốc tế trong việc chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực năng lượng hydrogen. GIZ đã và đang hỗ trợ Việt Nam như thế nào trong quá trình thực hiện chuyển đổi năng lượng nói chung và thực hiện chiến lược phát triển hydrogen nói riêng?

Chúng tôi với tư cách là Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức đã và tiếp tục đồng hành với chính phủ Việt Nam nhằm xây dựng ngành công nghiệp hydrogen phát triển. Trong những năm qua, chúng tôi đã hỗ trợ tổ chức các chương trình đào tạo, nhằm nâng cao hiểu biết chuyên môn trong các cơ quan chính phủ, các DN nhà nước và các công ty tư nhân.

Chúng tôi cũng triển khai một số hoạt động tư vấn nghiên cứu, qua đó thấy được tiềm năng lợi ích của nghành công nghiệp không chỉ trong vấn đề môi trường mà cả trong phát triển kinh tế.

Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với Chính phủ Việt Nam hỗ trợ phát triển khung chính sách, nâng cao năng lực, tăng cường kiến thức, công nghệ cũng như hỗ trợ các DN xây dựng chiến lược kinh doanh nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng cũng như phát triển thị trường hydrogen phát triển bền vững, hiệu quả.

Nhân vật trả lời phỏng vấn: Ông Võ Thanh Tùng, Cố vấn năng lượng, Dự án PtX Outreach, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ.

Tin tức

mới nhất