Với hơn 14 triệu ha đất lâm nghiệp, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng nông – lâm nghiệp – là nền tảng để phát triển năng lượng sinh khối, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.
Tiềm năng phát triển năng lượng sinh khối
Theo ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Việt Nam hiện có hơn 3 triệu ha rừng trồng thương mại, hàng năm cung cấp 40 triệu m3 gỗ cho ngành công nghiệp sản xuất. Bên cạnh nguồn gỗ nội địa, Việt Nam cũng nhập khẩu 322 loại gỗ để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu tới 104 quốc gia. Phế phẩm từ gỗ công nghiệp được tận dụng và trở thành nguồn nguyên liệu dồi dào cho năng lượng sinh khối (NLSK) phát triển ổn định. Ngoài ra, rơm rạ, trấu, bã mía, vỏ cà phê cũng là đầu vào của NLSK sẵn có tại Việt Nam.
Nhằm khuyến khích phát triển các dự án điện sinh khối, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/2020/QĐ-Ttg sửa đổi bổ sung Quyết định số 24/2014/QĐ-Ttg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối (ĐSK). Đồng thời có chính sách ưu đãi về đất đai khi triển khai dự án năng lượng sinh khối, ký hợp đồng mua điện 20 năm.
Tại các địa phương, tiềm năng phát triển năng lượng sinh khối cũng đầy hứa hẹn. Ông Nguyễn Quốc Toàn – Phó Giám đốc sở Công thương Hậu Giang cho biết: “Hậu Giang là tỉnh nông nghiệp với diện tích đất trồng lúa hơn 200.000 ha với nguyên liệu đầu vào rất sẵn, như vỏ trấu, rơm rạ, ngoài ra còn có phụ phẩm từ cây tràm. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2030 sẽ sản xuất khoảng 30 MW điện trấu, 20 MW điện bã mía, rơm rạ. Tháng 12/2022, Hậu Giang đã khởi công nhà máy điện trấu 20 MW”. Với tiềm năng nguyên liệu đầu vào, điện sinh khối đã, đang có nhiều cơ hội để phát triển trong nước và đem lại lợi ích quốc gia.
Động lực phát triển năng lượng sinh khối
Trước cam kết phát thải ròng bằng 0, một số doanh nghiệp bắt đầu chú trọng sử dụng năng lượng sinh khối. Tuy nhiên, họ vẫn gặp những khó khăn nhất định khi triển khai dự án. Vì thế, năm 2021, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) dưới sự hỗ trợ của Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ ESP đã phát hành sổ tay “Hướng dẫn phát triển dự án năng lượng sinh khối tại Việt Nam”, hướng dẫn chi tiết các bước triển khai trong từng giai đoạn cụ thể của dự án năng lượng sinh khối.
Việc biên soạn tài liệu nằm trong khuôn khổ Dự án Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam (BEM). Dự án do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ phối hợp với Cục Điện lực và NLTT thực hiện, và do Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu CHLB Đức (BMWK) tài trợ thông qua Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI).
“Sổ tay “Hướng dẫn phát triển dự án năng lượng sinh khối tại Việt Nam” hướng đến giảm thiểu một trong các trở ngại đầu tư trong quá trình cấp phép, thực hiện các thỏa thuận, phê duyệt để hỗ trợ chủ đầu tư thuận tiện tra cứu thông tin trong quá trình đầu tư, thực hiện và triển khai dự án”, trích lời Ông Phạm Nguyên Hùng – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và NLTT trong Lời nói đầu của cuốn sổ tay. Tháng 11/2022, “Sổ tay Đánh giá tác động môi trường và xã hội cho dự án điện sinh khối tại Việt Nam” cũng được dự án BEM hoàn thành.
Tín hiệu tích cực trong phát triển năng lượng sạch
Bà Nguyễn Thúy Hà – Phó trưởng Ban, Ngân hàng Phát triển Việt Nam nhận xét: “Sổ tay hướng dẫn Đánh giá tác động môi trường và xã hội cho dự án điện sinh khối tại Việt Nam vừa bao quát vừa chi tiết về tác động môi trường xã hội của lĩnh vực điện sinh khối, bao gồm các chính sách quy định hiện hành, hiện trạng đầu tư trong thực tế. Đây là cuốn cẩm nang hữu ích cho các nhà đầu tư trong việc xây dựng dự án và các chuyên gia, tổ chức tín dụng, trong quá trình quản lý, thực hiện đầu tư dự án năng lượng sinh khối”.
Cùng với chính sách hiện hành của Chính phủ, hai cuốn sổ tay trên là tài liệu tham khảo hữu ích, hướng dẫn đầy đủ giúp doanh nghiệp mạnh dạn triển khai nhiều dự án năng lượng sinh khối hơn.
Bên cạnh đó, dự án BEM còn tổ chức đội ngũ chuyên gia trực tiếp đồng hành với doanh nghiệp thông qua việc tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật, thực hiện các đánh giá tiền khả thi, nhằm giúp cho các chủ đầu tư ước tính chi phí đầu tư và cân nhắc sự khả thi của việc đầu tư các dự án năng lượng sinh học.
Theo GIZ ESP, mục tiêu của dự án BEM nói riêng, GIZ ESP nói chung là cung cấp đường dẫn khoa học, giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro khi triển khai đầu tư dự án năng lượng sinh khối, khuyến khích có thêm nhiều dự án mới, góp phần cùng Việt Nam thực hiện cam kết Net Zero thông qua chuyển dịch năng lượng, góp phần bảo vệ khí hậu và an ninh năng lượng quốc gia.
Bài viết đăng trên báo Vietnamnet: Động lực phát triển NLSK ở Việt Nam