ESP

Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ

Đối thoại năng lượng Việt – Đức phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy quá trình giảm phát thải của Việt Nam

Chia sẻ
In

Đoàn làm việc của Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu CHLB Đức (BMWK) do bà Nicole Glanemann – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Năng lượng và Khí hậu từ khu vực Châu Á dẫn đầu đã có chuyến thăm tại Việt Nam vào ngày 20 và 21 tháng 2, với mục tiêu trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tăng cường quy trình thực thi chính sách và các quy định cơ thể cho quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam.

Chuyến thăm và làm việc lần này tiếp tục củng cố mối quan hệ hợp tác năng lượng giữa Việt Nam và Đức, vốn đã được xây dựng và phát triển thông qua chuyến thăm và làm việc của đoàn đại biểu Việt Nam tại Berlin trong khuôn khổ Đối thoại Chuyển đổi Năng lượng và Ngày Năng lượng Việt – Đức vào tháng 3/2022, cũng như chuyến thăm của BMWK tới Việt Nam vào tháng 11/2022 vừa qua.

Vào sáng ngày 20/02, đại diện BMWK đã gặp gỡ và làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN về việc tích hợp lưới điện và vận hành lưới điện của các dự án điện gió ngoài khơi. Theo chia sẻ từ kinh nghiệm quốc tế, việc tích hợp các dạng năng lượng tái tạo (NLTT) như điện gió ngoài khơi vào trong hệ thống lưới điện sẽ gây ra những thách thức trong vận hành. Lý giải cho điều này, các chuyên gia cho rằng các quốc gia trên thế giới đang có những tham vọng ngày càng lớn đối với năng lượng tái tạo, và vì vậy có những xu hướng mới trong phát triển dạng năng lượng này như gia tăng số lượng thiết bị chuyển đổi và giao diện điện tử công suất. Những xu hướng này có thể mang đến hậu quả, gây ảnh hưởng đến tính ổn định trong vận hành hệ thống điện. Để sử dụng vốn đầu tư hiệu quả và thuận tiện cho công tác vận hành, các chuyên gia cũng đề xuất Việt Nam nên áp dụng mô hình TSO do có mục tiêu tham vọng về phát triển điện gió ngoài khơi, mô hình này sẽ giúp sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, đồng thời tránh đầu tư không cân đối. Theo đó TSO sẽ chịu trách nhiệm đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải trên biển đầu tiên nối các dự án OSW để đảm bảo sự phát triển OSW tới tầm nhìn bao quát.

Cũng trong ngày 20/02, đại diện BMWK đã có phiên làm việc buổi chiều với Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo, Bộ Công Thương với mục đích chính là xem xét nâng cấp hình thức hợp tác hiện nay “Đối thoại Năng lượng” thành “Đối tác Năng lượng giữa Việt Nam và Đức”. Với “Đối tác năng lượng”, hợp tác song phương sẽ toàn diện hơn. Hai bên đã thảo luận và chọn một số nội dung chính để tập trung hỗ trợ hợp tác trong khuôn khổ Đối tác Năng lượng Việt – Đức. Các chủ đề được cân nhắc và thảo luận bao gồm: hỗ trợ kỹ thuật và tài chính phát triển lưới điện, điện gió ngoài khơi, cơ chế giá cho các dự án NLTT, lưu trữ điện năng (bao gồm cả thủy điện tích năng), hydrogen xanh, quan hệ đối tác công – tư trong lĩnh vực năng lượng. Hai bên đã thống nhất sẽ lựa chọn ra 2-3 chủ đề chính trong hợp tác “Đối tác Năng lượng giữa Việt Nam và Đức”.

Ngày thứ 2 trong khuôn khổ chuyến thăm tiếp tục là phiên làm việc về hai chủ đề chính liên quan đến mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Đức về hiệu quả năng lượng (HQNL), và những cơ hội – thách thức trong phát triển Hydrogen tại Việt Nam.

Phiên làm việc buổi sáng là tọa đàm bàn tròn về hợp tác giữa 11 doanh nghiệp Việt Nam và Đức đang hoạt động lĩnh vực HQNL, với mục tiêu mở rộng mạng lưới trao đổi tri thức, kết nối các doanh nghiệp trong ngành, từ đó hình thành quan hệ hợp tác kinh doanh trong tương lai. Nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án được chia sẻ từ phía các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ HQNL tại Việt Nam. Theo đó, do nhận thức về sự sử dụng năng lượng hiệu quả của các chủ doanh nghiệp sản xuất còn thấp, thiếu thông tin tham khảo và các dự án điển hình thành công làm ví dụ trực quan, đã tạo ra tâm lý lo sợ dự án không đạt được kết quả như mong đợi khi đi vào vận hành. Cùng với đó là hạn chế trong khả năng vận hành công nghệ tiên tiến của người lao động tại các cơ sở sản xuất, khiến các dự án HQNL khi đi vào vận hành thực tế không đạt được kết quả như mong đợi, trở thành những tiền lệ xấu trong ngành. Điều này khiến các nhà cung cấp dịch vụ gặp khó khăn trong việc thuyết phục các chủ doanh nghiệp sản xuất đầu tư vào dự án HQNL.

Trước tình hình đó, BMWK và GIZ đã đồng ý hỗ trợ để triển khai thực hiện một số dự án thí điểm với mô hình kinh doanh kết hợp giữa các công ty cung cấp giải pháp của Đức và các công ty tư vấn Việt Nam. Các dự án thí điểm thành công sẽ tạo tiền đề giúp các doanh nghiệp cung cấp công nghệ – giải pháp HQNL dễ dàng thuyết phục các chủ doanh nghiệp sản xuất đầu tư vào lĩnh vực này.

Phiên làm việc buổi chiều tập trung vào thảo luận về cơ hội tiềm năng và thách thức trong việc phát triển ngành công nghiệp Hydro xanh tại Việt Nam. Tiếp nối thành công của hội thảo về hydrogen xanh do GIZ và Bộ Công Thương tổ chức vào tháng 11 năm trước, hội thảo lần này tập trung trao đổi về tiềm năng xuất khẩu Hydrogen xanh, ứng dụng Hydrogen xanh tại Việt Nam. Hội thảo cũng giới thiệu các khóa đào tạo về công nghệ PtX do chương trình ESP thực hiện trong giai đoạn 2021-2022 cho các nhóm học viên từ Bộ Công Thương, Viện Năng lượng, EVN,… Trong năm 2023, ESP dự kiến tiếp tục triển khai khóa đào tạo giảng viên nguồn về công nghệ PtX, cũng như các khóa đào tạo cơ bản trên cả nước nhằm nâng cao năng lực cho các bên tham gia trong ngành, hướng tới đảm bảo tính bền vững của ngành công nghiệp hydro xanh.

Sau chuyến thăm lần này của đại diện BMWK đến Việt Nam, đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam cũng sẽ có chuyến làm việc tại Berlin, Đức dự kiến vào tháng 3 sắp tới nhằm tiếp tục củng cố mối quan hệ đối tác năng lượng giữa hai quốc gia.

Tin tức

mới nhất