ESP

Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ

Khủng hoảng năng lượng toàn cầu ở Đông Nam Á: Bước ngoặt cho an ninh năng lượng và hướng hành động của các Chính phủ.

Chia sẻ
In

Thông cáo báo chí

Bangkok, ngày 11 tháng 11 năm 2022 – Theo một báo cáo phân tích mới được công bố của Dự án Năng lượng sạch, Chi phí hợp lý và An ninh năng lượng cho các quốc gia Đông Nam Á (CASE), cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã chỉ ra những điểm yếu trong hệ thống năng lượng tại Đông Nam Á, nhưng đồng thời đây cũng có thể được coi là cơ hội thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch nếu các chính phủ chú ý đến các hàm ý, tín hiệu khuyến khích sự thay đổi cơ cấu trong cung và cầu năng lượng.

Kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng năng lượng, giá than, khí đốt và dầu thô đã liên tục tăng với tốc độ cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, với các mức giá tăng vọt sau cuộc xung đột tại Ukraine. Các quốc gia Đông Nam Á chịu tác động kinh tế lớn dù không trực tiếp nhập khẩu nhiều năng lượng từ các nước xảy ra xung đột. Khu vực này vẫn không được chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng, vì các nền kinh tế chưa hoàn toàn hồi phục sau đại dịch, thêm vào đó là sự đình trệ trong triển khai năng lượng tái tạo và các khoản đầu tư ít điều kiện cho phục hồi xanh.

Dự án CASE đã phân tích các tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng đang gia tăng đối với Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam và đánh giá các phản ứng chính sách của các chính phủ đối với triển vọng chuyển đổi năng lượng trong dài hạn. Ông Swithin Lui (Viện NewClimate), đồng tác giả của báo cáo, chia sẻ: “Mặc dù các quốc gia đã tránh được những tác động nghiêm trọng nhất trên toàn cầu, nhưng họ rất dễ bị tổn thương bởi các cú sốc trong tương lai vì hầu hết các nước đều nhập khẩu ròng than hoặc khí đốt và cả 4 quốc gia này đều phụ thuộc vào dầu được cung cấp từ nước ngoài. Sẽ tốt hơn nếu các quốc gia này đối mặt với khủng hoảng bằng cách thúc đẩy mô hình an ninh năng lượng hướng tới năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả thay vì trở lại với nhiên liệu hóa thạch.”

Dự án CASE nhận thấy rằng bản quốc gia hiện nay chủ yếu tập trung vào các biện pháp ngắn hạn nhằm giảm bớt tác động tới phúc lợi xã hội và đảm bảo nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch để đối phó với sự biến đổi của thị trường năng lượng. Mặc dù hầu hết các chính phủ đã đưa ra những biện pháp hỗ trợ mới cho công nghệ năng lượng sạch trong giai đoạn 2021-2022, nhưng vẫn cần có những hành động quyết liệt hơn từ chính phủ để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng năng lượng cũng như thay thế các nhu cầu nhiên liệu hóa thạch ngày càng tăng. Điều này sẽ giúp tăng cường an ninh năng lượng, tạo ra vô số lợi ích kinh tế và giúp các quốc gia có sự chuẩn bị tốt hơn cho các cú sốc trong tương lai.

Tất cả chính phủ đều có mục tiêu chuyển đổi năng lượng gần chặt trong các chiến lược dài hạn của họ. Theo báo cáo, thách thức mà mỗi quốc gia phải đối mặt là thu hút được các nguồn lực để giải quyết các vấn đề ưu tiên cần triển khai trong trung hạn nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng nhiên liệu hóa thạch đang diễn ra. Ông Ernst Kuneman (Agora Energiewende), đồng tác giả, nhận xét: “Cuộc khủng hoảng nhấn mạnh sự cấp thiết phải đẩy nhanh quá trình giảm dần nhiên liệu hóa thạch và đặt ra câu hỏi về vai trò của khí tự nhiên như một loại nhiên liệu chuyển đổi đối với khu vực. Thị trường và giá cả biến động khiến việc tiếp tục hoặc ngày càng phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên được xem là một chiến lược trung hạn không còn phù hợp và không thể thực hiện được; các quốc gia có thể xây dựng khả năng phục hồi cao hơn bằng cách giải quyết vấn đề này một cách trực tiếp để phù hợp với kế hoạch dài hạn.”

“Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu có ảnh hưởng lớn đến Việt Nam – một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào năng lượng. Bên cạnh việc áp dụng những biện pháp với mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế như hỗ trợ mở rộng cơ hội nhập khẩu than và xăng dầu, giảm thuế nhập khẩu cho xăng, giảm thuế bảo vệ môi trường cho các sản phẩm xăng dầu, không tăng giá điện năm 2022…, chính phủ Việt Nam cũng đã cân nhắc các biện pháp dài hạn về hiệu quả năng lượng đồng thời nâng mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo, dự kiến đến năm 2050 tỷ lệ công suất các nguồn năng lượng tái tạo (ngoài thủy điện) đạt 59%.” Bà Vũ Chi Mai (Giám đốc Dự án CASE Việt Nam) chia sẻ.

Hiệu quả năng lượng đã được chú ý nhiều hơn sau khi cuộc khủng hoảng xảy ra, ví dụ như việc khuyến khích chuyển đổi sang phương tiện giao thông công cộng hoặc việc áp dụng các biện pháp hiệu quả năng lượng trong chính phủ và các hộ gia đình. Tuy nhiên, tiềm năng lớn để cải thiện hiệu quả năng lượng trong toàn bộ chuỗi giá trị vẫn chưa được khai thác đầy đủ ở cơ bản quốc gia. Cần xây dựng và ban hành các quy chế về năng lượng và tòa nhà chặt chẽ hơn cũng như các tiêu chuẩn thực thi, kèm theo các cơ hội tài chính mới, để thúc đẩy sự chuyển đổi cần có nhằm đảm bảo khả năng phục hồi lâu dài trước các cú sốc năng lượng trong tương lai.

Tải toàn bộ báo cáo tại đây: Báo cáo Khủng hoảng năng lượng toàn cầu 2022

Dự án CASE

Dự án “Năng lượng sạch, Chi phí hợp lý và An ninh năng lượng cho các quốc gia Đông Nam Á” (CASE) được phối hợp thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và các tổ chức quốc tế và địa phương trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng bền vững và biến đổi khí hậu. Các bên tham gia gồm có: Tổ chức Chuyển đổi Năng lượng Agora và Viện khí hậu mới (cấp khu vực); Viện cải cách các dịch vụ thiết yếu (IESR) Indonesia; Viện khí hậu và thành phố bền vững (ICSC) Philippines; Viện nghiên cứu năng lượng (ERI) và Viện nghiên cứu phát triển Thái Lan (TDRI) Thái Lan; và Tổ chức Sáng kiến về Chuyển đổi Năng lượng Việt Nam (VIETSE).

Được tài trợ bởi Bộ Kinh tế và Bộ Bảo vệ Khí hậu Cộng hòa Liên bang Đức (BMWK), mục tiêu của dự án CASE là hỗ trợ sự thay đổi trong ngành năng lượng tại khu vực theo hướng chuyển đổi năng lượng dựa trên bằng chứng, góp phần đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Dự án sẽ sử dụng các sáng kiến nghiên cứu sẵn có đồng thời xây dựng các bằng chứng mới dựa trên thực tế tại địa phương nhằm tác động đến các nhà quản lý kinh tế, các nhà hoạch định chính sách ngành năng lượng, các nhà lãnh đạo trong ngành công nghiệp và khách hàng sử dụng điện để hỗ trợ các cải cách chiến lược trong ngành một cách sớm, nhanh chóng và phù hợp. Để đạt được mục tiêu này, dự án áp dụng phương pháp tiếp cận phối hợp tìm kiếm giải pháp (joint- fact-finding) thông qua phân tích và thảo luận của các chuyên gia, hướng tới sự đồng thuận bằng cách tăng cường trao đổi trong những lĩnh vực còn bất đồng.

Dự án CASE đồng thời là chương trình liên kết của Đối tác Chuyển đổi Năng lượng (ETP), một liên minh của các nhà tài trợ quốc tế, các nhà từ thiện và các chính phủ đối tác được thành lập để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng và hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững ở Đông Nam Á.

GIZ

Deutsche Gesellschaft für Internationale Zusammenarbeit (GIZ) GmbH là tổ chức trực thuộc Chính phủ Đức và có các hoạt động trên toàn cầu. GIZ cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực hợp tác quốc tế để phát triển bền vững. GIZ đồng thời hoạt động thay mặt cho các khách hàng khu vực công và tư nhân khác ở Đức và các nước bao gồm: chính phủ của các quốc gia, Ủy ban Châu Âu, Liên Hợp Quốc và các tổ chức tài trợ khác. GIZ hoạt động tại hơn 120 quốc gia với 22.000 nhân viên trên toàn thế giới.

Tin tức

mới nhất