Tỷ lệ công suất lắp đặt năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời trong hệ thống điện Việt Nam đã tăng nhanh trong các năm gần đây, và tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian theo các mục tiêu được đề ra trong Quy hoạch điện 8 (QHĐ 8). Sự gia tăng nhanh chóng các nguồn năng lượng tái tạo biến đổi đòi hỏi hệ thống điện cần có tính linh hoạt cao hơn. Ngoài các công nghệ truyền thống, hệ thống điện cần được đầu tư thêm và đổi mới công nghệ để tăng cường tính linh hoạt hệ thống.
Đức chi 1,5 tỉ Euro cho nghiên cứu và đổi mới ngành năng lượng trong năm 2022
Năm 2022, Đức đã chi gần 1,5 tỷ Euro cho nghiên cứu và đổi mới trong lĩnh vực năng lượng. Đây là một con số ấn tượng, cho thấy cam kết mạnh mẽ của quốc gia này trong việc thúc đẩy chuyển dịch năng lượng và bảo vệ môi trường. Theo công bố báo cáo hàng năm của Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu CHLB Đức, đầu tư của nhà nước vào nghiên cứu năng lượng đã tăng 13% so với năm trước đó.
Cụ thể, Đức đã đầu tư 1,11 tỷ Euro vào 7.365 dự án nghiên cứu hiện hữu và 1.661 dự án nghiên cứu mới. Gần 320 triệu Euro bổ sung đã được cấp cho Hiệp hội Helmholtz, một trong những tổ chức nghiên cứu lớn nhất thế giới. Tổng ngân sách đầu tư cho nghiên cứu và đổi mới ngành năng lượng lên tới 1.486 tỷ euro, tăng 75% so với năm 2014.
Theo báo cáo của Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu CHLB Đức, đối với khoản đầu tư này, Chính phủ Đức ưu tiên cho những dự án nghiên cứu chuyển dịch năng lượng. Khoảng 52% năng lượng tiêu thụ ở Đức dành cho sưởi ấm và làm mát, và phần lớn nhiên liệu phục vụ sưởi ấm là nhiên liệu hóa thạch. Do đó, những sáng kiến dẫn đến việc mở rộng nhanh chóng công nghệ sưởi ấm và làm mát dựa trên năng lượng tái tạo là cần thiết để cung cấp năng lượng thân thiện với môi trường.
Mục tiêu của Đức là đến năm 2030, có 80% nguồn cung cấp điện từ các nguồn năng lượng tái tạo và Đức đang đi trên con đường tốt hướng tới mục tiêu này. Ông Fabian Hartjes, Bí thư thứ hai phụ trách Kinh tế và Ngoại giao khí hậu, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi đang đầu tư mạnh vào các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời. Chúng tôi cũng đang đẩy mạnh triển khai chiến lược hydrogen xanh và giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch”.
Nhờ đi đầu trong những đổi mới sáng tạo và nghiên cứu công nghệ từ nhiều thập kỷ trước, hiện nay, Đức là một trong những nước đi đầu thế giới về năng lượng tái tạo. Trong đó, quốc gia này đang đứng thứ 4 toàn cầu về công suất lắp đặt điện mặt trời theo bảng xếp hạng toàn cầu của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) vào năm 2023, mặc dù chỉ số giờ nắng ở mức khiêm tốn so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Đổi mới công nghệ giúp giảm chi phí phát điện từ các nguồn tái tạo
Hiện nay, chi phí sản xuất điện từ các nguồn tái tạo ngày càng cạnh tranh hơn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch năng lượng toàn cầu. Theo dữ liệu từ Bloomberg New Energy Finance (Bloomberg NEF) – tổ chức nghiên cứu, tư vấn toàn cầu về lĩnh vực năng lượng sạch, chi phí sản xuất điện quy dẫn (LCOE – Levelized Cost of Electricity) của các nhà máy điện mới ở Việt Nam năm 2022 cho thấy xu hướng giảm đáng kể, đặc biệt là ở các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió.
Cụ thể, chi phí phát điện quy dẫn của điện mặt trời tại Việt Nam đã giảm mạnh nhờ sự tiến bộ trong công nghệ và sự tăng trưởng của quy mô thị trường. Số liệu của BloombergNEF cho thấy LCOE cho một nhà máy điện mặt trời ở mức 53-105 USD/MWh (theo giá thực tế năm 2022), khiến đây có thể trở thành nguồn phát điện quan trọng mới, rẻ và cạnh tranh nhất tại Việt Nam.
Chi phí sản xuất điện quy dẫn của các nhà máy điện mới theo công nghệ ở Việt Nam năm 2022
Tương tự đối với các nhà máy điện gió, LCOE của điện gió cũng đã giảm đáng kể, ở mức 65-154 USD/MWh. Công nghệ turbine gió ngày càng hiệu quả, cùng với sự cải thiện trong khâu lắp đặt và bảo trì, đã giúp giảm chi phí tổng thể. Đặc biệt, điện gió ngoài khơi đang trở thành một lĩnh vực tiềm năng lớn với chi phí ngày càng hợp lý và khả năng sản xuất điện ổn định.
Bên cạnh đó, theo ông Philipp Munzinger, Giám đốc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ (GIZ ESP), công nghệ sản xuất và lưu trữ điện mặt trời đang dẫn đầu thị trường công nghệ năng lượng tái tạo với quy mô ngày càng mở rộng, mang lại lợi ích cho nhà đầu tư cũng như góp phần an ninh năng lượng và ổn định lưới điện. Do vậy, công nghệ sản xuất và pin lưu trữ điện mặt trời cần có những chính sách để phát triển.
Đầu tư vào đổi mới công nghệ năng lượng tại Việt Nam
Tại diễn đàn “Chuyển dịch năng lượng Việt Nam năm 2024”, do Cục Phát triển Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp Sở Công Thương Thành phố Hà Nội, Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ (GIZ ESP) và các đơn vị liên quan tổ chức, các chuyên gia chỉ ra rằng tỷ lệ công suất đặt năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời trong hệ thống điện Việt Nam đã tăng nhanh trong các năm gần đây, và tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian theo các mục tiêu được đề ra trong QHĐ 8.
Sự gia tăng nhanh chóng các nguồn năng lượng tái tạo biến đổi đòi hỏi hệ thống điện cần có tính linh hoạt cao hơn. Ngoài các công nghệ truyền thống, hệ thống điện cần được đầu tư thêm các công nghệ mới để tăng cường tính linh hoạt hệ thống.
Ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Phát triển Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cho rằng để thúc đẩy công nghệ năng lượng tái tạo tại Việt Nam cần sự hợp tác từ 3 phía là các cơ quan quản lý, các đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp, trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, đối tượng áp dụng các chính sách vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, ông Dương cũng nhấn mạnh đến sự hỗ trợ từ đối tác quốc tế trong việc chia sẻ kinh nghiệm chuyển dịch năng lượng nhằm giúp Việt Nam tăng cường năng lực nội địa về công nghệ để chuyển dịch năng lượng thành công.
Đánh giá về triển vọng hợp tác đầu tư và chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo với Việt Nam, Ông Fabian Hartjes cho rằng cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Đức là rất lớn. Ông Fabian chia sẻ: “Tại Đức, chúng tôi có rất nhiều doanh nghiệp thành công trong việc tạo ra những công nghệ năng lượng có giá cả phải chăng, phù hợp với thị trường. Chúng tôi đánh giá cao môi trường thu hút đầu tư tại Việt Nam và nhìn thấy những cơ hội kinh doanh tại đây. Các doanh nghiệp Đức sẽ tăng cường đầu tư vào đây và luôn sẵn sàng chia sẻ những công nghệ năng lượng tái tạo với Việt Nam. Những công nghệ đổi mới sáng tạo đã được chứng tỏ là có hiệu quả cao và đã hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển dịch năng lượng của chúng tôi cũng như nhiều nước khác nữa. Các dạng năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng sẽ định hình thế giới mới của chúng ta. Quá trình chuyển dịch năng lượng cần sự hợp tác từ các cơ quan nhà nước và tư nhân. Chúng tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết để trong tương lai chúng ta có nhiều thành công hơn nữa trong quá trình chuyển dịch năng lượng”. Ông Fabian nhấn mạnh công nghệ là chìa khóa thúc đẩy chuyển dịch năng lượng.
Bà Vũ Chi Mai, Giám đốc Dự án Năng lượng Sạch, Chi phí hợp lý và An ninh năng lượng cho các quốc gia Đông Nam Á (CASE) chia sẻ: “Thông qua sự tài trợ của Chính phủ Đức, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ đang triển khai Dự án Năng lượng Sạch, Chi phí hợp lý và An ninh năng lượng cho các quốc gia Đông Nam Á (CASE) tại bốn nước bao gồm Philippines, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Tại Việt Nam, chúng tôi đồng hành cùng Cục Phát triển Công nghệ và Đổi mới sáng tạo thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và tập trung vào việc chuyển giao công nghệ, hỗ trợ Việt Nam nắm bắt xu hướng công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng. Đó không chỉ là ở việc chuyển giao những công nghệ mới mà còn ở năng lực tiếp nhận thông tin, quản lý dự án và nâng cao năng lực sản xuất các linh, phụ kiện và dịch vụ trong chuỗi giá trị”.
Từ năm 2013, năng lượng trở thành một trong những ưu tiên hợp tác của Chính phủ Đức tại Việt Nam. Chính phủ CHLB Đức đã hỗ trợ Việt Nam thông qua việc cung cấp các nguồn vốn vay ưu đãi, các chương trình hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ tài chính nhằm đóng góp vào chiến lược giảm phát thải khí nhà kính và chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam. Tại cuộc đàm phán Chính phủ Đức – Việt Nam vào tháng 11 năm 2023, Chính phủ Đức cam kết sẽ cung cấp viện trợ phát triển chính thức không hoàn lại 61 triệu Euro cho các lĩnh vực: năng lượng, bảo vệ rừng và đào tạo nghề, giúp nền kinh tế Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.